Ðồng Tháp phát huy tiềm năng du lịch và liên kết phát triển
Cập nhật: 01/04/2014
Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, cùng hai phần ba diện tích tự nhiên thuộc vùng trũng Ðồng Tháp Mười, Ðồng Tháp được đánh giá là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn lưu giữ nhiều cảnh sắc hoang sơ.
 

Là địa phương có truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm qua hai cuộc kháng chiến, nên Ðồng Tháp hiện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Ðây là điều kiện thuận lợi để Ðồng Tháp phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sông nước - miệt vườn, du lịch cộng đồng...

Liên tục tăng trưởng

Bên cạnh các điểm du lịch nổi tiếng, đang thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước như: khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; vườn Quốc gia Tràm Chim vừa được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước quan trọng của Quốc tế) thứ 4 của Việt Nam, thứ 2000 của thế giới; khu di tích văn hóa lịch sử đặc biệt Gò Tháp, địa danh gắn liền với nền văn hóa Óc Eo cổ xưa và vương triều Phù Nam nhiều huyền tích; nhà cổ Huỳnh Thủy Lê..., Ðồng Tháp còn có nhiều làng nghề nổi tiếng, như làng hoa kiểng Sa Ðéc, gốm xuất khẩu Châu Thành, làng chiếu Ðịnh Yên và các sản phẩm đặc sắc, như nem, quýt hồng Lai Vung, hủ tíu Sa Ðéc, bánh phồng tôm Sa Giang,... Ðồng Tháp còn có nhiều khu du lịch sinh thái như Xẻo Quýt, Gáo Giồng, và gần đây là khu du lịch đồng sen Tháp Mười mới đưa vào khai thác nhưng thu hút lượng khách đến rất đông.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðồng Tháp Ngô Quang Tuyên cho biết: những năm qua, ngành du lịch tỉnh đã có bước phát triển, doanh thu tăng dần hằng năm, trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Hạ tầng du lịch được đầu tư có trọng điểm, các khu du lịch ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ. Trong năm 2013, Ðồng Tháp đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với năm 2012, trong đó khách quốc tế hơn 40.000 lượt, tăng 13,6%, tổng doanh thu đạt 243 tỷ đồng, tăng 22,7%. Trong quý I/2014, du lịch Ðồng Tháp đã đón hơn 290.000 lượt khách đến tham quan, tăng 16,5%, trong đó có 12.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt hơn 48 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo đồng chí Ngô Quang Tuyên, để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo các công ty du lịch phối hợp với các doanh nghiệp; các cơ sở lưu trú; các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung các sản phẩm dịch vụ theo hướng an toàn, thân thiện và nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu du khách. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2015, ngành tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển du lịch; tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để quảng bá du lịch và tìm kiếm cơ hội liên kết với các doanh nghiệp trong khu vực và trên cả nước.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Tuy tăng trưởng dần hàng năm, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Ðồng Tháp, du lịch của tỉnh vẫn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; hiệu quả kinh doanh du lịch thấp, sản phẩm còn đơn điệu; chất lượng phục vụ chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; khách lưu trú, nhất là khách quốc tế chưa nhiều so với các tỉnh trong khu vực; quản lý nhà nước về du lịch thiếu tập trung, chưa khai thác nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển du lịch,... Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, hoạt động đầu tư cho du lịch cũng chậm đổi mới, chưa tạo được bước đột phá trong chỉ đạo, quản lý và điều hành... để phát triển du lịch trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðồng Tháp xác định, đầu tư cho lĩnh vực này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo trong năm 2014 và 2015, tạo nền tảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và lãnh đạo ngành du lịch Ðồng Tháp, một nguyên nhân làm cho du lịch trong thời gian qua chưa phát triển mạnh là do địa phương chưa tiến hành khảo sát, đánh giá lại một cách toàn diện những tài nguyên tiềm năng này; thứ hai là chưa có những định hướng cụ thể trong việc khai thác từng nguồn tài nguyên, từng sản phẩm. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Ðề án phát triển du lịch tỉnh Ðồng Tháp đến năm 2020. Trong đề án này sẽ tập trung giải bài toán về hiệu quả du lịch trong thời gian tới, trong đó có một nội dung rất quan trọng là định vị sản phẩm của từng điểm đến một cách riêng biệt, mang tính đặc thù để phát huy các tiềm năng du lịch của địa phương.

Ngoài một số mặt hàng, sản phẩm đặc thù của địa phương vừa được các bộ, ngành trong nước và các tổ chức quốc tế công nhận, vinh danh như: làng chiếu Ðịnh Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013; bánh phồng tôm Sa Giang và nem Lai Vung được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là đặc sản quà tặng Việt Nam, vừa qua, tại thành phố Ðà Lạt, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng đã tổ chức tôn vinh và trao giải "Top 100 thương hiệu du lịch văn hóa và điểm đến ấn tượng của Việt Nam" cho công ty CP du lịch Ðồng Tháp và nhà cổ Huỳnh Thủy Lê...

Khu di tích Xẻo Quýt, nằm trên địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp của huyện Cao Lãnh. Bên cạnh sự quyến rũ của vẻ đẹp thiên nhiên với những thân cây tràm hàng trăm tuổi, cao vút được bao bọc bởi hệ thống dây bòng bong xanh rờn, mát rượi, pha chút huyền hoặc của một căn cứ kháng chiến vẫn oai nghiêm tồn tại, là những loại hình dịch vụ mới được đưa vào phục vụ, làm cho du khách rất thích thú.

Phó Giám đốc khu di tích Xẻo Quýt Trương Quốc Thái cho biết, hơn hai năm qua, để thu hút khách du lịch, ngoài việc giữ gìn nét hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên vốn có, khu di tích còn tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm như: cùng nông dân tham gia đan lát các sản phẩm từ cây lục bình; cùng bơi xuồng ba lá đi câu, đặt lờ, lọp, lưới cá; giỡ chà bắt cá; thưởng thức những món ăn chế biến từ chính thành quả du khách thu hoạch được... làm cho du khách càng thêm hứng khởi và để lại nhiều ấn tượng khi đến đây tham quan.

Tuy mới đưa vào hoạt động không lâu, nhưng khu du lịch đồng sen Tháp Mười thu hút khá đông du khách, trong đó có nhiều du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, nhất là vào những ngày cuối tuần. Ðến đây, không chỉ thỏa thích ngắm sen, hít thở bầu không khí thuần khiết, trong lành, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản, khó quên như: chè sen, cá lóc nướng cuốn lá sen non, cá rô kho tộ...

Liên kết để phát triển

Tổng giám đốc công ty CP du lịch Ðồng Tháp Nguyễn Thị Nga cho biết: nhằm thu hút ngày càng nhiều lượng khách du lịch đến tham quan Ðồng Tháp, thời gian qua, công ty CP du lịch Ðồng Tháp đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác với Hiệp hội Du lịch các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với nhiều công ty lữ hành ở miền bắc, miền trung và TP. Hồ Chí Minh đến khảo sát các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn. Trong đó, công ty đã ký kết hưởng ứng các chương trình kích cầu du lịch của Tổng cục Du lịch; ký kết hợp tác toàn diện với công ty lữ hành Saigontourist; ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch tại Bình Ðịnh, các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và gần đây công ty đã ký kết hợp tác với công ty lữ hành Cao nguyên đá Ðồng Văn... Ðến nay, công ty du lịch Ðồng Tháp đã ký kết với hơn 300 đơn vị lữ hành du lịch trong nước và nước ngoài để đón, đưa khách đến tham quan Ðồng Tháp, trong đó có sáu hãng du thuyền đưa khách quốc tế đến tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Qua liên kết cho thấy, lượng du khách đến tham quan Ðồng Tháp tăng mỗi năm hơn 20%.

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết thêm, sản phẩm du lịch đặc trưng của Ðồng Tháp được du khách quan tâm đặc biệt là du lịch trải nghiệm, du lịch theo mùa với nhiều chương trình ấn tượng như: sắc xuân Ðồng Tháp; trải nghiệm mùa nước nổi; trải nghiệm làng nghề; đồng sen, ruộng ấu... Ðồng Tháp khai thác rất hiệu quả du lịch ẩm thực sáng tạo, kết hợp hài hòa với từng chương trình mang nét đặc trưng riêng của địa phương làm cho sản phẩm du lịch ngày càng độc đáo, không bị trùng lắp với các sản phẩm của các địa phương khác trong vùng. Du lịch ẩm thực sáng tạo hiện là thế mạnh của du lịch Ðồng Tháp với nhiều giải thưởng cao tại các hội thi ẩm thực trong khu vực.

Bên cạnh việc đầu tư, xây dựng những sản phẩm đặc thù của địa phương, sự quan tâm việc liên kết, hợp tác nhằm kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước để phát triển du lịch là việc làm thường xuyên và cần thiết, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Ðồng Tháp đến với đông đảo du khách.

Nhân Dân