Triển lãm Bộ tranh Lễ phục triều Nguyễn năm 1902 tại TP. Huế
Cập nhật: 14/04/2014
Ngày 11/4/2014, tại Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Liễu Quán (TP. Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và nhà nghiên cứu Trần đình Sơn đã khai mạc triển lãm bộ tranh về lễ phục triều Nguyễn năm 1902 của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân.
 

Bộ tranh gồm 54 bức, với kích thước 23 x 31cm, trên mỗi bức đều có ghi chú thông tin về địa vị, chức tước, phẩm hàm của các nhân vật bằng tiếng Pháp và tiếng Hán. Dù không có điều kiện để giới thiệu đầy đủ 54 bức tranh, nhưng những tác phẩm được lựa chọn tại triển lãm cũng đã giúp công chúng phần nào có được nhận thức nhất định về trang phục Triều Nguyễn vào giai đoạn cận đại.

Đây là bộ tranh vốn đã thất tán cách đây 110 năm, kể từ thời điểm ra đời. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn may mắn đã có được Cdrom toàn bộ bộ tranh này và xuất bản thành sách ảnh với tên gọi “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn”.

Điều đáng tiếc là, cho đến nay, dù đã rất nỗ lực, nhưng những nhà nghiên cứu quan tâm đến bộ tranh chưa xác định được thông tin cụ thể về tác giả Nguyễn Văn Nhân.

Bộ tranh về lễ phục triều Nguyễn của Nguyễn Văn Nhân là một loại tác phẩm được vẽ theo lối truyền thần, chi tiết tỉ mỉ. Đây cũng là lối vẽ có tính hiện đại vào thời điểm ra đời, với những kỹ thuật tiếp thu từ tây phương như luật viễn cận, giải phẫu học. Điều đó cho thấy, các bức tranh được kết hợp khá nhuần nhuyễn hội họa truyền thần truyền thống với hội họa phương Tây mới du nhập, đưa nghệ thuật truyền thần phát triển ở một bước mới.

Chân dung của các nhân vật qua ngọn bút tài hoa của Nguyễn Văn Nhân thể hiện thần thái sinh động, trung thực, cùng với tỉ lệ nhân thể hợp lý và chuẩn xác so với tranh truyền thần của các thế hệ đi trước. Các loại phẩm phục, trang phục hoàng gia, triều thần, binh lính được miêu tả hết sức chi tiết từ màu sắc đến các hoa văn trang trí.

Vì vậy, bộ tranh của Nguyễn Văn Nhân được đánh giá là có những giá trị hội họa và trở thành một loại tài liệu quan trọng để phục vụ nghiên cứu về trang phục cung đình Nguyễn, đặc biệt là thời kỳ cận hiện đại.

Nhân Dân