(TITC) - Thời gian gần đây, du lịch thiền đã phát triển ở nhiều nước có truyền thống Phật giáo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại hình du lịch này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Kiên Giang - vùng đất rừng vàng, biển bạc phía tây nam Tổ quốc có một số điểm đến tiềm năng phù hợp phát triển loại hình du lịch thiền.
Chùa Phật Quang (phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá) được xây dựng năm 1962, thuộc hệ phái gốc Bắc Tông. Từ năm 2010, chùa đã tổ chức nhiều khóa tu như: “Một ngày an lạc”, “Thiền yoga”, “Mùa hè”, “Tuổi trẻ hướng thiện”, “Báo hiếu” chủ yếu dành cho các bạn trẻ. Tham dự các khóa tu, ngoài cơ hội tiếp xúc với giáo lý Đức Phật và áp dụng giáo lý này vào đời sống thường ngày, các bạn trẻ còn được hướng dẫn ngồi thiền và tập 5 bài tập dưỡng sinh theo phương pháp “Suối nguồn tươi trẻ”. Các bạn trẻ tham gia khóa tu đa số đến từ các huyện, thị trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố lân cận như: An Giang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh…
|
Các bạn trẻ tham gia khóa tu “Tuổi trẻ hướng thiện” tại chùa Phật Quang |
Chùa Tam Bảo (phường Bình San, thị xã Hà Tiên) thuộc phái Thiền Lâm tế, được khởi dựng năm 1730. Năm 1930, chùa được xây dựng lại trên khuôn viên rộng khoảng 2,5ha, mặt quay hướng đông, gồm 3 tòa Chính điện, Điện Phật và nhà Tổ. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, đặt bàn thờ Phật A Di Đà bằng đồng ở giữa, tượng Quán Thế Âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ tát ở hai bên. Ngoài ra, còn có tượng Phật Thích Ca thành đạo, Phật Thích Ca khuyến thiện, Phật Thích Ca đản sanh và Phật nhập Niết bàn. Bên cạnh kiến trúc đặc sắc, chùa còn bố trí trồng nhiều cây xanh, các tiểu cảnh sông, núi, ao, hồ nhân tạo khiến cảnh trí nơi đây càng thêm tĩnh lặng, thơ mộng.
Hiện nay, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt Phật pháp, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương mà còn là địa điểm tham quan hấp dẫn du khách.
Chùa Hộ Quốc hay còn gọi là Thiền viện Trúc lâm Hộ Quốc (xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc) được xây dựng từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2012 trên diện tích hơn 13ha, theo kiến trúc thời nhà Lý và Trần, mặt hướng ra biển. Chùa có các kiến trúc chính: cổng tam quan, tòa Đại hùng bảo điện, riêng nhà Tổ được làm hoàn toàn bằng gỗ liêm và đá nguyên thủy. Đây là công trình nằm trong dự án xây dựng khu du lịch tâm linh trên tổng diện tích hơn 110ha, có quy mô lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chùa Hộ Quốc là điểm nhấn của khu du lịch tâm linh, điểm đến hấp dẫn du khách khi đến Phú Quốc.
|
Chùa Hộ Quốc hướng mặt ra biển |
Suối Tranh (huyện đảo Phú Quốc) được tạo thành từ các khe suối nhỏ bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh, có chiều dài hơn 15km.
Từ trung tâm thị trấn Dương Đông, du khách đi theo đường 30/4 chừng 10km sẽ đến khu du lịch Suối Tranh. Từ chân suối, đi tiếp theo con đường đá với hai bên là màu xanh mượt mà của cỏ cây hoa lá sẽ lên đến đầu nguồn suối. Tại đây, du khách sẽ có dịp đắm mình trong làn nước suối trong mát, thư giãn trên những phiến đá to, bằng phẳng để nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo trong không khí thoảng hương hoa rừng hay cắm trại, câu cá và thưởng thức tại chỗ món cá nướng thơm ngon. Khung cảnh nơi đây rất thích hợp cho việc tọa thiền.
Đến suối Tranh, du khách còn có cơ hội khám phá nhiều hang động mang vẻ đẹp kỳ bí, huyền ảo, tiêu biểu là hang Dơi nằm gần khu vực đầu nguồn suối. Hang có tên là Dơi vì nơi đây có nhiều Dơi làm tổ, sinh sống. Hang sâu khoảng 50m, có nhiều thạch nhũ đẹp, lạ mắt.
Việc đầu tư khai thác loại hình du lịch thiền ở Kiên Giang sẽ không chỉ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, góp phần thu hút nhiều hơn du khách trong và ngoài nước mà còn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo truyền thống.
Thanh Hải
Tài liệu tham khảo:
Kiên Giang và tiềm năng du lịch thiền, TCDLVN số 3/2014.