Chủ động chuyển hướng thị trường khách quốc tế, tăng cường công tác tuyên truyền về điểm đến an toàn và chất lượng, tập trung khai thác thị trường du lịch nội địa… là những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm phát triển ngành du lịch Đà Nẵng trong bối cảnh nguồn khách Trung Quốc đến thành phố đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh như hiện nay.
Khách quốc tế giảm, nhiều tour bị hủy
Chiếm thị phần lớn nhất trong top 10 thị trường khách quốc tế, Trung Quốc (TQ) được xem là nguồn khách tiềm năng của ngành du lịch Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2014, lượng khách TQ đến Đà Nẵng ước đạt hơn 49.000 lượt, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng từ giữa tháng 5 trở đi, khách TQ sụt giảm mạnh 50-70%. Không những thế, các thị trường khách du lịch nói tiếng Hoa ngữ như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan… đã có sự dè dặt hơn khi đặt tour đến Đà Nẵng với tỷ lệ hủy tour gần 50%. Các thị trường khách quốc tế khác như Mỹ, Pháp, Nhật Bản… cũng bắt đầu bị ảnh hưởng với tỷ lệ hủy tour vào khoảng 15-20%.
|
Khách hủy tour, hủy dịch vụ, các đường bay vắng khách là tình hình chung được ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp lữ hành có khai thác khách TQ trên địa bàn thành phố hiện nay. Tại Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), từ cuối tháng 5, tháng 6 và tháng 7, có gần 5.000 khách TQ hủy tour đến Đà Nẵng, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty. Ông Nguyễn Thành Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty Vitours cho biết: “Khoảng 2 tuần nay, các đối tác TQ bắt đầu hủy đặt phòng tại các khách sạn ở Đà Nẵng. Hầu hết các đường bay charter cũng bị cắt. Mặc dù đã thỏa thuận với hãng hàng không Jetstar cho đường bay Đà Nẵng - Hồng Kông và Vietnam Airlines cho đường bay Đà Nẵng - Thượng Hải, đồng thời đã triển khai sản phẩm và bán cho khách Việt Nam đi cũng như làm việc với các đối tác khai thác khách TQ về nhưng đành phải tạm dừng tất cả. Dù đã được các bên thông cảm nhưng cũng gây thiệt hại lớn cho Vitours về chi phí và hàng loạt các công việc đã triển khai”.
Khảo sát các khách sạn 3-5 sao trên địa bàn thành phố, trước tháng 5, công suất phòng của khách sạn đều đạt từ 60 đến trên 90%, nhưng từ giữa tháng 5 đến nay, các khách sạn chỉ đạt 10-20% công suất. Nhiều hợp đồng đặt phòng bị phá vỡ đã đẩy các khách sạn vào tình trạng “cung vượt quá cầu” trong lúc tình hình kinh tế khó khăn và cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nước ngoài. “Với tình hình khách TQ có dấu hiệu sụt giảm như hiện nay, chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá hơn nữa về điểm đến Đà Nẵng an toàn và thân thiện cho bạn bè và người thân ở TQ để họ an tâm hơn khi đến du lịch tại đây”, đại diện khách sạn Crowne Plaza chia sẻ.
Theo các hãng lữ hành cho biết, nguồn khách TQ đang có dấu hiệu tiếp tục giảm hơn trong thời gian tới, hầu như 100% tour đến Đà Nẵng trong tháng 6 và 7 đã bị hủy hoàn toàn, đặc biệt là khách theo các đường bay charter (đường bay thuê chuyến) từ TQ. Hiện Đà Nẵng có 13 đường bay charter do các hãng hàng không phối hợp với lữ hành khai thác kết nối Đà Nẵng với các tỉnh, thành lớn của thành phố đã bị “đóng cửa” từ giữa tháng 5 do vắng khách. Hiện chỉ còn 2 đường bay là Ma Cao - Đà Nẵng do Jetstar khai thác và đường bay Thượng Hải-Đà Nẵng do Vietnam Airlines khai thác vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên, với lượng khách chiếm chưa đến 10% trong tổng số ghế như hiện nay, nhiều nhà lữ hành dự báo, các đường bay này cũng sẽ bị hủy trong tương lai gần.
Chuyển hướng khai thác thị trường tiềm năng
Đánh giá về tình hình khách TQ đến Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo ngành du lịch thành phố nên chủ động quản lý rủi ro và dự phòng tình huống nguồn khách TQ sẽ bị cắt hoàn toàn. Nếu tình huống này xảy ra, Bộ trưởng đề nghị ngành du lịch thành phố nên đưa ra các giải pháp phòng ngừa, không để ảnh hưởng đến thị trường khách quốc tế khác, doanh thu du lịch cũng như công ăn việc làm của lao động địa phương.
Để bù đắp lại lượng khách TQ đã bị sụt giảm, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu các hãng lữ hành nên chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường khách quốc tế tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đông Nam Á với việc tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá cũng như tổ chức các chương trình Roadshow, famtrip…; đồng thời phối với với các hãng hàng không mở các đường bay trực tiếp trong thời gian tới như Nhật Bản (tháng 7-2014), Malaysia (tháng 8-2014)... để tăng thêm thị phần khách quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường xa, truyền thống như Âu, Úc, Mỹ với sản phẩm phù hợp, chính sách giá khuyến mãi cũng như nâng cao nguồn nhân lực địa phương…
Việc tập trung khai thác thị trường du lịch nội địa cũng là giải pháp cần thiết mà Bộ VHTTDL chỉ đạo ngành du lịch Đà Nẵng gấp rút triển khai trong thời gian sớm nhất. Với việc đặt ra mục tiêu đón hơn 2,7 triệu lượt khách nội địa trong tổng số 3,6 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, thị trường nội địa đem lại nguồn doanh thu chủ yếu cho du lịch thành phố.
Để khai thác tốt nguồn khách nội địa trong mùa cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, giải pháp trước mắt là triển chương trình kích cầu du lịch và tổ chức chương trình Roadshow nhằm kéo khách từ 2 đầu đất nước về Đà Nẵng. Các công ty lữ hành cũng đề xuất ngành du lịch thành phố nên có chính sách giảm giá vé máy bay, vé tham quan tại các khu, điểm du lịch… nhằm làm giảm giá tour để thu hút khách nội địa đến với Đà Nẵng nhiều hơn.
Về lâu dài, cần đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm thuế đất, giảm lãi suất vay vốn ngân hàng…; đồng thời hỗ trợ công tác xúc tiến, tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá tại các thị trường trọng điểm (Châu Âu, Châu Úc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á) có tính đến sản phẩm và lợi thế của Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung.
“Sắp tới Sở VHTTDL Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá điểm đến an toàn và chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, hướng vào các thị trường khách quốc tế gần gắn với đường bay như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga”, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng cho biết.