(TITC) - Trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù kinh tế thế giới có xu hướng dần phục hồi và tăng trưởng góp phần kích thích du lịch toàn cầu, thúc đẩy dịch chuyển luồng khách quốc tế, nhưng tình hình quốc tế vẫn còn có nhiều biến động về chính trị, kinh tế tại một số khu vực, gây ra những ảnh hưởng theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Chào đón khách du lịch Nga tại sân bay quốc tế Phú Quốc (Nguồn ảnh: Vietnamnet.vn)
Đáng chú ý, tình hình căng thẳng do Trung Quốc gây ra tại vùng biển Hoa Đông, Biển Đông có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển du lịch tại khu vực này và tác động tạo ra những yếu tố mới trong bối cảnh thực hiện kế hoạch phát triển của du lịch Việt Nam.
Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 21,11% so với cùng kỳ năm 2013; khách du lịch nội địa đạt 23,4 triệu lượt, tăng 6,9%; tổng thu từ khách du lịch đạt 125 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5%.
Xét theo từng giai đoạn, trong 4 tháng đầu năm khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng do hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam – an toàn, thân thiện, bên cạnh đó là có nhiều sự kiện quốc tế diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam đã gây ra những diễn biến phức tạp, tác động đến nhiều mặt hoạt động của du lịch Việt Nam, gây giảm sút lượng khách quốc tế, trong đó tập trung chủ yếu ở các thị trường nói tiếng Trung, và nhiều tác động hệ lụy kèm theo. Cùng với đó là mùa thấp điểm cũng kéo lượng khách quốc tế đến Việt Nam xuống so với các tháng trước. Tuy nhiên, so với 6 tháng cùng kỳ năm trước, các chỉ tiêu về khách và tổng thu du lịch vẫn tăng trưởng tốt.
Chủ động ứng phó với tình hình mới
Trước tình hình đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai công tác theo kế hoạch, Tổng cục Du lịch đã chủ động ứng phó với tình hình, tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách để hoạt động du lịch ổn định và phát triển, tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm gần đây. Các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành đã được triển khai đúng kế hoạch.
Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2014-2020, hoàn thiện đề án “Du lịch Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển” báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng; Chuẩn bị nội dung phục vụ cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, phiên thứ nhất năm 2014 vào ngày 30/5 và đã xây dựng trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch qua phiên họp này.
Hội nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch - phiên họp lần thứ nhất năm 2014
Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã kịp thời thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông, chủ động triển khai hàng loạt giải pháp kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình như: kịp thời nắm bắt thông tin, thành lập tổ công tác đặc biệt và các đoàn công tác đi các địa phương thuộc địa bàn chịu nhiều tác động ảnh hưởng; chủ động xây dựng báo cáo nhanh tác động của tình hình, kế hoạch ứng phó và kế hoạch quản lý rủi ro của ngành Du lịch; tăng cường thông tin đến các cơ quan báo chí, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời tổ chức triển khai các hoạt động theo Kế hoạch 46/KH-BVHTTDL về việc ứng phó với diễn biến của tình hình mới.
Phát huy vai trò điều phối của Tổng cục Du lịch
Bên cạnh các hoạt động ứng phó với tình hình mới, ngành Du lịch tiếp tục triển khai nhiều hoạt động quan trọng khác. Thông qua việc hỗ trợ các địa phương và chủ trì tổ chức các hội thảo, hội nghị về liên kết phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, xây dựng sản phẩm, triển khai quy hoạch phát triển du lịch... Tổng cục Du lịch đã thể hiện rõ vai trò tham mưu, chỉ đạo trong công tác quản lý Nhà nước và vai trò điều phối hoạt động phát triển du lịch mang tính liên vùng, liên kết các địa phương, hiệp hội trong hỗ trợ phát triển sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch.
Trước tình hình công tác quản lý du lịch, môi trường du lịch ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, vẫn xảy ra tình trạng chèn ép, trộm cắp, lừa đảo khách, một số vụ tai nạn đáng tiếc trong vận chuyển khách tại Hải Phòng, Hạ Long, bất cập trong thu phí tham quan tại Hội An, phí dịch vụ môi trường rừng tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng..., Tổng cục Du lịch đã chú trọng chỉ đạo các Sở VHTTDL phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại Chương trình roadshow giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Matxcova, Liên bang Nga
Thời gian qua cũng đã chứng kiến nhiều hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, xúc tiến quảng bá như: Chương trình hợp tác với Phi-líp-pin về phát triển du lịch tàu biển, tổ chức Phiên họp Ủy ban du lịch Việt Nam – Nhật Bản tại Nhật Bản, Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp du lịch Việt Nam – Thái Lan tại Hà Nội, Hợp tác du lịch Việt Nam – Singapore về phát triển du lịch tàu biển, Hợp tác Việt Nam – Đài Loan về tăng cường kết nối thu hút khách... Cùng với đó là nhiều sự kiện, hoạt động đáng chú ý như tổ chức Roadshow giới thiệu du lịch Việt Nam tại 3 thành phố Matxcova, St. Petersburg và Yaroslavl trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga; tham dự Diễn đàn Du lịch ASEAN, Hội nghị Du lịch Đông Á – Thái Bình Dương và ASEAN tại Phi-líp-pin, tổ chức đoàn famtrip cho các hãng thông tấn, báo chí của Nhật Bản...
Các hoạt động thông tin tuyên truyền, nghiên cứu, khảo sát, phát động thị trường, tổ chức các sự kiện lớn... đã cho thấy vai trò quan trọng của Tổng cục Du lịch trong điều phối công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường tại chương trình gặp gỡ doanh nghiệp du lịch Việt Nam - Thái Lan (Nguồn ảnh: Báo Du lịch)
Kinh tế vĩ mô trong nước dần ổn định, khả năng chi tiêu của xã hội dần cải thiện với nhiều kỳ nghỉ dài ngày, nhiều lễ hội sôi nổi được tổ chức tại các địa phương nhân dịp khai xuân Giáp Ngọ, Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt, nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế như Đại lễ Phật đản VESAK 2014, Festival Huế 2014, Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ... đã góp phần tích cực kích cầu du lịch nội địa
Nhìn chung, trong 6 tháng qua, bên cạnh một số điều kiện thuận lợi để kích cầu phát triển, ngành Du lịch đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới. Tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn Ngành, Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu về lượng khách và tổng thu từ khách du lịch được duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, góp phần không nhỏ vào sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực chú trọng phát triển có chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Nhiều địa danh và đơn vị đã được bình chọn và xếp hạng của nhiều trang web, tạp chí danh tiếng trên thế giới.
Hướng tới phát triển ổn định, bền vững
Trong 6 tháng cuối năm 2014, ngành Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động ứng phó với tác động của tình hình căng thẳng trên Biển Đông theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL; triển khai Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch, Chương trình Xúc tiến du lịch Quốc gia; Tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2014 tại Lâm Đồng – Tây Nguyên và chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa. Hoàn thành các đề án lớn như Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các vùng Đông Nam Bộ, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể các Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen (Tây Ninh), Sơn Trà (Đà Nẵng), Điện Biên Phủ-Pá Khoang-Mường Phăng (Điện Biên); Tổ chức Lễ vinh danh và trao Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2013, Hội nghị doanh nghiệp du lịch năm 2014; Tổ chức điều tra khách du lịch quốc tế tại các cửa khẩu trong năm 2014-2015; Đón các đoàn famtrip, presstrip đến từ một số thị trường trọng điểm như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam khảo sát...
Hy vọng rằng, cùng với nỗ lực chung của toàn Ngành, trong thời gian tới Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thành quả đạt được, khắc phục hiệu quả những khó khăn, thách thức bằng nhiều giải pháp ứng phó, đa dạng hóa thị trường nguồn, tăng cường thu hút khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm, kích cầu du lịch nội địa, qua đó duy trì đà tăng trưởng, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững.
Truyền Phương