Bộ VHTTDL vừa cho phép Sở VHTTDL các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Bình Định và Tuyên Quang thăm dò và khai quật khảo cổ tại địa phương.
|
Ảnh minh họa |
Quyết định số 2046/QĐ-BVHTTDL cho phép Sở VHTTDL Quảng Ngãi thăm dò khảo cổ tại 09 địa điểm, gồm: Vĩnh Tuy, Tấn Lộc, Đồng Vân, Vĩnh Bình (huyện Đức Phổ); Dương Quang (huyện Mộ Đức); Cà Ninh, Thượng Hòa, Khe Hai, Châu Me (huyện Bình Sơn) thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích thăm dò là 150m², gồm 20 hố (3m x 2m); 05 hố (4m x 2m); 05 hố (5m x 2m). Thời gian thăm dò từ 30/6 đến 30/8/2014.
Quyết định số 2005/QĐ-BVHTTDL cho phép Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại di tích Bãi Soi thuộc thôn Tân Thịnh, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Diện tích khai quật là 20m²; thời gian khai quật từ 25/6 đến 25/7/2014.
Quyết định số 2004/QĐ-BVHTTDL cho phép Sở VHTTDL Quảng Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật di chỉ Hòn Ngò thuộc xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Diện tích khai quật là 200m²; thời gian khai quật từ 01/7 đến 14/8/2014.
Quyết định số 2003/QĐ-BVHTTDL cho phép Sở VHTTDL Bình Định khai quật khảo cổ tại điểm phế tích Tháp Rừng Cấp thuộc thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Diện tích khai quật là 300m²; thời gian khai quật từ 25/6 đến 25/7/2014.
Trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố những kết luận khi chưa được cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa đồng ý.
Đồng thời những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Tỉnh để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng Tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét quyết định giao những hiện vật đó cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 03 tháng Sở VHTTDL Tỉnh phải có báo cáo sơ bộ và sau 01 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL).