Có tới hơn 70% khách du lịch quốc tế rất hài lòng khi tới các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, sẵn sàng quay trở lại hoặc giới thiệu cho bạn bè và người thân đến điểm này trong tương lai.
Một cuộc điều tra về du lịch được cho là rất hữu ích nhằm thu được những thông tin về nhu cầu của du khách tại mỗi điểm đến, nhận thức của khách du lịch về phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội tại mỗi điểm đến đang được Ban quản lý Dự án chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) thực hiện. Giai đoạn I của cuộc điều tra này đã kết thúc và vừa được công bố kết quả, tham vấn ý kiến của các chuyên gia du lịch trước khi triển khai giai đoạn 2, từ tháng 7 – 9/2014.
Qua các tiến hành điều tra đối với 1.543 khách du lịch trong nước (757 người) và quốc tế (786 người) tại 5 điểm đến thí điểm là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long và Sa Pa, các chuyên gia của dự án EU cho biết, kết quả điều tra này là rất cần thiết để phục vụ cho công tác nghiên cứu marketing và phát triển sản phẩm.
Kết quả điều tra khá khả quan cho thấy, chi tiêu trung bình của mỗi du khách quốc tế lưu trú qua đêm là 102,3 USD/ngày, còn đối với khách du lịch nội địa có lưu trú qua đêm là 1,3 triệu đồng/ngày (tương đương 62 USD). Trong 5 điểm đến nói trên thì Hạ Long là nơi có mức chi phí trung bình cao nhất là 125,1 USD/ngày đối với khách quốc tế và 1,6 triệu đồng/ngày đối với khách nội địa.
Huế là địa điểm có mức chi phí trung bình thấp nhất đối với khách quốc tế với 75,6 USD/ngày và Hội An là điểm đến có chi phí rẻ nhất đối với khách trong nước là 900.000đ/ngày (chi phí này chưa tính đến chi phí vận chuyển của khách đến điểm đến). Hình thức đi du lịch theo nhóm và tự tổ chức nhiều hơn là đi theo tour. Về cơ sở lưu trú, các khách sạn từ 3-5 sao hoặc resort cao cấp được khách du lịch quốc tế ưa chuộng, còn khách nội địa chủ yếu sử dụng cơ sở lưu trú bình dân hoặc khách sạn 3 sao.
Trong số những khách lưu trú qua đêm, khách du lịch quốc tế dành phần lớn nhất trong tổng số chi phí cho chỗ ở, sau đó là cho các dịch vụ ăn uống. Ngược lại, chi phí của khách trong nước phần nhiều dành cho ăn uống, sau đó là phương tiện đi lại và chỗ ở. Thông tin tham khảo trước khi đi du lịch của khách quốc tế chủ yếu là internet, còn khách nội địa thì chủ yếu tham khảo qua internet và xem tivi…
Cũng từ cuộc điều tra, khách du lịch quốc tế đánh giá, những điểm đến như Hà Nội, TP. HCM, Hội An, Hạ Long, Sa Pa và Huế được hầu hết khách quốc tế đưa vào danh sách điểm đến mong muốn.
Trong đó, có hơn 70% du khách quốc tế cho biết họ rất hài lòng đối với kỳ nghỉ tại đó, sẵn sàng quay trở lại. Hội An là điểm đến được khách quốc tế chọn đầu tiên khi quay lại Việt Nam. Thậm chí, 65% khách nội địa tuyên bố sẽ quay lại các điểm du lịch yêu thích trong nước bất kỳ lúc nào.
Hầu như tất cả khách của 2 nhóm đều dự định sẽ giới thiệu cho bạn bè và người thân đến điểm này trong tương lai. Những điều làm du khách hài lòng nhất khi du lịch ở các điểm đến Việt Nam là cảnh quan thiên nhiên và sự thân thiện của người dân.
Cả nhóm khách quốc tế và nội địa đều nhận xét các điểm đến được khảo sát rất thân thiện với môi trường và du khách đến đây đều tôn trọng văn hóa và môi trường tại địa phương. Những điều khách ít hài lòng nhất tại điểm đến là tình trạng chèo kéo du khách của người bán hàng, phân biệt giá giữa người địa phương và khách du lịch, nhiều dịch vụ du lịch và phương tiện giao thông công cộng chưa được tốt…
Hiện tại, Ban quản lý dự án EU tiếp tục thu thập ý kiến của các chuyên gia và hoàn thiện phiếu thông tin để triển khai điều tra giai đoạn II tại 5 điểm trên, sau đó sẽ hoàn thiện báo cáo kết quả và sẽ bàn giao cho Tổng cục Du lịch (TCDL) và các địa phương liên quan.
Thông qua việc tổ chức điều tra khách du lịch, Dự án EU hỗ trợ nâng cao năng lực về công tác thống kê của TCDL, bao gồm việc thu thập, phân tích, quản lý và phổ biến những thông tin, số liệu của ngành, từ đó giúp TCDL có những nghiên cứu chuyên sâu về thống kê du lịch và hoạch định chiến lược phát triển.
Kết quả điều tra cũng sẽ góp phần giúp các địa phương có những số liệu cần thiết làm cơ sở đưa ra định hướng đầu tư, quy hoạch phát triển, kế hoạch quảng bá, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, đây chỉ là dự án mẫu do dự án EU triển khai thí điểm.
Kết quả này chỉ mang tính tham khảo do số phiếu điều tra còn quá ít, chưa đảm bảo cơ số mẫu để làm đại diện. Nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn hai cần mở rộng điều tra ở các thời điểm khác nhau, thêm nhiều địa điểm, xây dựng các tài liệu hướng dẫn để tập huấn cho các địa phương. TCDL cũng nên tiến hành các cuộc điều tra thống kê du lịch thường xuyên, liên tục, có tính phổ quát trong tương lai để phục vụ tốt hơn nữa công tác nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm.