Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố và trao quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sử thi cho các tỉnh Tây Nguyên.
Sáng 27/12, tại thành phố Đà Lạt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức tổng kết Năm du lịch quốc gia Tây nguyên – Đà Lạt 2014 và công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sử thi cho các tỉnh Tây nguyên.
Với chủ đề “Đại ngàn Tây nguyên”, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thành công các hoạt động trong Năm du lịch quốc gia Tây nguyên – Đà Lạt 2014 cùng sự đóng góp tích cực của các tỉnh trong khu vực. Các sản phẩm du lịch, bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc ở Tây nguyên đã được giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Góp phần tăng trưởng khách du lịch đến với khu vực và cả nước, mang lại những giá trị lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nói riêng và cả Tây nguyên nói chung.
Cụ thể, đã có đến 6 triệu lượt khách du lịch đến các tỉnh Tây nguyên trong năm 2014, tăng 14%, trong đó khách quốc tế tăng 7%, và doanh thu từ ngành du lịch đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013. Trong đó, riêng Đà Lạt – Lâm Đồng có khoảng 4,8 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch đạt khoảng 8.500 tỷ đồng.
Hội nghị cũng cho rằng, các sản phẩm du lịch của Năm du lịch quốc gia Tây nguyên – Đà Lạt 2014 vẫn chưa được đầu tư đúng mức; việc giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây nguyên chưa đậm nét và xuyên suốt; việc liên kết phát triển các sản phẩm du lịch mang tính liên vùng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ nên hiệu quả mang lại chưa cao. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, những tồn tại này cần phải được quan tâm tháo gỡ và chấn chỉnh, để ngành du lịch ở Tây nguyên bứt phá đi lên.
Bộ trưởng cũng đã trao quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sử thi cho các tỉnh Tây Nguyên.
Nhân dịp này, Cục Di sản văn hóa đã công bố và trao quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sử thi cho các tỉnh Tây Nguyên, gồm: Khan (sử thi) của người Ê Đê tỉnh Đắc Lắc, Ot Ndrong (sử thi) của người Mnông tỉnh Đắc Nông, Hơmon (sử thi của người Ba Na tỉnh Gia Lai), và Hơmon (sử thi) của người Ba Na – Rơ Ngao tỉnh Kon Tum.