Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của du lịch làng nghề, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào Chăm tại làng nghề truyền thống, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển tuyến du lịch trọng điểm làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp trong năm nay.
|
Theo đó tỉnh Ninh Thuận sẽ đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch thiết yếu như lắp đặt biển chỉ dẫn vào làng nghề; vận động các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư các dịch vụ du lịch vào điểm thăm quan làng nghề.
Tỉnh cũng vận động các hộ gia đình nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất hiện có, đồng thời hỗ trợ đào tạo các hộ dân từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, cải thiện chất lượng phục vụ và đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng duy trì và phát triển sản phẩm truyền thống để thu hút du khách.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ công tác thông tin; tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch làng nghề; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho du lịch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường để phát triển du lịch làng nghề một cách bền vững.
Việc hỗ trợ xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là cơ hội để du lịch làng nghề thể hiện rõ sắc thái văn hóa của làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm.
Qua đó, làng nghề cũng từng bước phát triển, góp phần mang lại thu nhập cho người dân làng nghề từ các hoạt động dịch vụ du lịch. Ninh Thuận phấn đấu đến hết năm 2015, hai làng nghề truyền thống này trở thành tuyến thăm quan du lịch trọng điểm, có chất lượng, trở thành hai trong năm tuyến (làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, tháp PoKlong Girai, vườn nho Thái An, vịnh Vĩnh Hy) tour du lịch đặc thù có sức hấp dẫn cao, phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Nét đặc trưng của làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp của đồng bào Chăm được hình thành và phát triển từ rất lâu, được du khách trong và ngoài nước biết đến là nhờ vào hoạt động du lịch.
Những năm qua, mặc dù được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng một số cơ sở vật chất như cổng làng; đường vào làng; nhà trưng bày, lò nung; hỗ trợ quảng bá xúc tiến; tạo cơ hội tham gia hội chợ triển lãm thương mại… nhưng hai làng nghề này vẫn chưa trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Nguyên nhân là do cơ sở vật chất còn thiếu, môi trường làng nghề chưa được chú trọng, sự liên kết phối hợp để cùng phát triển thương hiệu chưa hiệu quả, mẫu mã sản phẩm đặc thù chưa thu hút được du khách.