7 sự kiện du lịch nổi bật năm 2006
Cập nhật: 11/01/2007
Năm 2006 là năm có nhiều hoạt động trong ngành du lịch Việt Nam. Dưới đây là 7 sự kiện du lịch nổi bật năm 2006 do Hà Nội Mới Điện Tử bình chọn.

1. Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4

Trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2006, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch lần thứ 4 có chủ đề “Thúc đẩy hợp tác du lịch APEC vì thịnh vượng chung” diễn ra từ ngày 15 đến 17/10 tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng An, với sự tham gia của đại diện các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế:

Các Bộ trưởng Du lịch APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố Hội An về thúc đẩy hợp tác du lịch vì sự thịnh vượng chung, trong đó khẳng định cam kết đẩy mạnh hợp tác du lịch, tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, chuẩn hóa dịch vụ, áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch, đẩy mạnh hợp tác giữa hai khu vực công và tư. Hội nghị cũng thảo luận những sáng kiến của Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác du lịch APEC, phấn đấu vì sự thịnh vượng chung, bao gồm việc tổ chức Hôi chợ Du lịch APEC, Diễn đàn Du lịch và Đầu tư APEC và việc thiết lập đường bay thẳng giữa các di sản văn hóa thế giới ở các nền kinh tế thành viên APEC.

2. Festival Huế 2006

Được tổ chức tại thành phố Huế từ ngày 3 đến ngày 11/6, Festival Huế 2006 có nhiều hoạt động đáng nhớ, từ chợ quê ngày hội, ca múa nhạc truyền thống, âm sắc Việt, thời trang Việt… cho tới nhã nhạc Nhật Bản, tango Argentina, hài kịch Matapeste (Pháp), điển kịch Trung Quốc… đều có mặt, hòa chung tạo nên bản giao hưởng âm thanh đa sắc, đặc biệt là lễ hội Nam Giao được tổ chức với qui mô rất hoành tráng và trang nghiêm với ba phần chính: Lễ xuất cung, lễ tế giao và lễ hồi cung, gợi nhớ buổi lễ hoàng gia đặc biệt vào thế kỷ 19. Festival Huế 2006 đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khách du lịch và bạn bè quốc tế.

3. Mekong Festival 2006

Liên hoan Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long 2006 (Mekong Festival 2006) được tổ chức tại thị xã Châu Đốc, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang từ ngày 23/2 đến 26/2. Liên hoàn gồm Lễ hội Thương mại và Du lịch, lễ hội ẩm thực, Thi hướng dẫn viên du lịch, Hội thảo phát triển du lịch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Lễ hội đặc biệt về văn hóa và nghệ thuật với sự tham gia của các đòan biểu diễn cộng đồng người Kinh, người Hoa, người Chăm, Khmer; trình diễn thời trang giới thiệu lụa Tân Châu-sản phẩm thủ công nổi tiếng của tỉnh An Giang.

Đây là lần thứ 2 Liên hoan Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch tại khu vực này.

4. Lễ hội Trái cây Nam Bộ

Hoạt động này được tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng, các sản vật phong phú của Nam Bộ và mọi miền đất nước, diễn ra từ 27/5 đến 4/6 tại Khu du lịch Suối Tiên, do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Cty Du lịch văn hóa Suối Tiên tổ chức.

Lễ hội trái cây Nam Bộ 2006 có sự tham gia của 9 tỉnh, quy tụ trên 50 loại trái cây nổi tiếng của các vùng miền. Lễ hội có nhiều hoạt động hấp dẫn như: chợ trái cây; hội thi nghệ thuật tạo hình cây trái; hội thi cắt tỉa trái cây; triển lãm bonsai, cây cảnh, đá cảnh; giới thiệu văn hóa ẩm thực trái cây..., đặc biệt là diễu hành “Bách quả tứ quý thần tiên hội”- lễ hội hóa trang đặc sắc với bốn đoàn xe diễu hành rực rỡ sắc màu của hoa trái bốn mùa được khách tham quan du lịch ưa thích.

5. Năm Du lịch Quảng Nam

Với chủ đề "Di sản Văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống và Du lịch sinh thái", Năm Du lịch Quảng Nam có đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế những nét văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và sự thân thiện, hiếu khách của người dân Quảng Nam. Trong năm 2006, tỉnh Quảng Nam đã tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các làng nghề, lễ hội, nghệ thuật truyền thống tại nhiều địa danh, như: làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng đúc đồng Phước Kiều, làng chiếu Bàn Thạch. Các địa phương tại đây cũng giới thiệu lễ hội với chủ đề về biển, các hoạt động đua thuyền truyền thống, trình diễn thời trang, lễ hội ẩm thực...

6. Các hoạt động xúc tiến du lịch biên giới đường bộ

Trong 2 tháng cuối năm, Tổng Cục Du lịch tổ chức các hoạt động nhằm thu hút khách đường bộ, như: hội thảo xúc tiến du lịch tai Đông bắc Thái Lan; Hội chợ Du lịch tại Lạng Sơn, Lào Cai, An Giang; Hội chợ Du lịch tại cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị kết hợp với đoàn Caravan 100 xe từ 3 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan nhân dịp khánh thành cầu Hữu nghị 2 qua sông Mekong tại Savanakhet.

7. Đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế

Theo ước tính, năm 2006, ngành Du lịch Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 8,6% so với năm trước) và 3,6 triệu lượt khách quốc tế (tăng 5,6%), đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm. Các thị trường lớn đối với du lịch Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Australia, Thái Lan, Singapore, Đức, Canada...
HNMĐT