Du lịch cộng đồng tại Lào Cai gắn với xóa đói, giảm nghèo
Cập nhật: 04/03/2015
Khai thác thế mạnh của một tỉnh vùng cao biên giới được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh hùng vĩ, giao thông thuận lợi, văn hóa đa dạng và khí hậu đặc trưng, những năm qua, Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, gắn với nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
 

Chỉ riêng bốn ngày đầu năm mới 2015, tỉnh Lào Cai đã đón tiếp gần 50 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có nhiều khách tham gia loại hình du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch mà trong đó cộng đồng dân cư là chủ thể trực tiếp tham gia, và Lào Cai cũng là một trong những địa phương đầu tiên áp dụng mô hình này.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai Trần Hữu Sơn cho biết: Năm 1998 ngành du lịch Lào Cai được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới giúp huyện Sa Pa thực hiện nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng, gắn với xóa đói, giảm nghèo. Nhưng phải đến năm 2006, Tổ chức Bánh mì thế giới mới từng bước hiện thực hóa dự án của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới bằng cách giúp đầu tư xây dựng nhà du lịch cộng đồng, đào tạo nhân lực để khai thác các giá trị văn hóa dân gian, ẩm thực dân tộc, lễ hội truyền thống... tại hai xã Bản Hồ và San Sả Hồ thuộc huyện Sa Pa.

Kết quả thật không ngờ, chỉ sau hai năm đi vào hoạt động, đến năm 2008, mô hình du lịch cộng đồng đã chứng minh tính hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa của Lào Cai.

Riêng tại xã Bản Hồ, năm 2008 đã đón hơn 5.600 lượt khách, tăng hơn 1.600 lượt so với cùng kỳ năm 2006 - năm đầu triển khai xây dựng mô hình; doanh thu từ lưu trú tại Bản Hồ đạt hơn 142 triệu đồng; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 56 hộ dân tham gia trực tiếp vào loại hình lưu trú tại gia và nhiều việc làm gián tiếp cho các hộ trong thôn.

Trên cơ sở bài học thành công của hai mô hình du lịch cộng đồng tại Bản Hồ và San Sả Hồ, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với một số tổ chức trong và ngoài nước như Tổ chức phát triển Hà Lan - SNV Việt Nam, Trường đại học vùng Van-cu-vơ của Ca-na-đa, Viện đại học Mở Hà Nội, Dự án EU, Tổ chức REACH nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng cho các xã Tả Van, Tả Phìn, Thanh Kim (huyện Sa Pa) và các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát...

Lợi đơn, lợi kép nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền và nhất là sự hỗ trợ rất hiệu quả của các tổ chức quốc tế, hoạt động du lịch cộng đồng tại Lào Cai đang ngày càng phát triển.

Nếu như năm 2010, các điểm du lịch cộng đồng toàn tỉnh đón gần 150 nghìn lượt khách, thì năm 2013 đón hơn 247 nghìn lượt. Nhờ vậy số lượng khách du lịch đến với Lào Cai từ năm 2013 và 2014 đã vượt qua con số hơn một triệu lượt khách/năm và dự kiến năm nay, sẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa.

Du lịch cộng đồng không chỉ tăng nguồn thu cho địa phương, mà còn là môi trường khôi phục và phát triển một số nghề truyền thống của các dân tộc Lào Cai. Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế còn giúp các địa phương trong tỉnh khôi phục "làm mới" một số ngành nghề truyền thống, như Tổ chức Craft Link đã hỗ trợ đồng bào dân tộc Dao (xã Tà Phìn) và dân tộc Mông (xã San Sả Hồ) huyện Sa Pa phát triển Câu lạc bộ thổ cẩm. Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ đã đào tạo cho gần 100 chị em dân tộc của hai xã những kỹ năng nâng cao nhằm tạo ra những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo đáp ứng nhu cầu của du khách. Hay như Tổ chức Lao động thế giới cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển nghề truyền thống nông thôn Việt Nam hỗ trợ xây dựng năm mô hình thí điểm phục vụ du lịch tại các xã thuộc huyện Sa Pa, đó là nghề chế biến thảo dược và hương liệu tại xã Tà Phìn; trồng rau sạch tại Sa Pa; làm hương ở Tả Van; làm nến sáp ong ở San Sả Hồ; dệt thổ cẩm tại Lao Chải. Trong đó, có nhiều sản phẩm dưới bàn tay của những người phụ nữ dân tộc thiểu số đã tạo nên thương hiệu và được du khách đặc biệt yêu thích, như các loại thảo dược và hương liệu...

Nhờ có du lịch cộng đồng, nhiều loại ẩm thực địa phương cũng dần được các đầu bếp không chuyên tại các "Homestay" giới thiệu đến du khách và trở thành thực đơn không thể thiếu tại các nhà hàng, như thắng cố, xôi bảy mầu, lạp xường, tương ớt, gạo séng cù, gà thuốc và nhất là các loại rượu đã khiến nhiều khách nam giới "say lòng" với Lào Cai. Nhưng quan trọng hơn, du lịch cộng đồng đã tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của các địa phương tham gia loại hình du lịch này. Thu nhập bình quân từ du lịch cộng đồng của các hộ gia đình ở Sa Pa đạt từ 20 đến 30 triệu đồng/năm, trong đó có nhiều hộ đạt doanh thu từ 60 đến 100 triệu đồng/năm, cao gấp năm đến 25 lần so với các gia đình khác.

Nhân rộng mô hình Theo TS Trần Hữu Sơn, để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như khẳng định việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo là một hướng đi đúng, mang lại hiệu quả thiết thực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã công nhận 12 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát.., đồng thời cấp phép cho 120 hộ gia đình có đủ điều kiện được kinh doanh loại hình lưu trú tại gia (Homestay) đủ năng lực đón tiếp phục vụ từ 5 đến 30 khách/hộ.

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm của những năm qua và xu hướng phát triển chung của du lịch cộng đồng hiện nay, tỉnh Lào Cai đang xây dựng "Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020" để hỗ trợ và nhân rộng mô hình du lịch này gắn với phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ nâng cao sinh kế cho người dân tỉnh vùng cao biên giới, mà còn vinh danh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương.

nhandan.org.vn