Trong những ngày đầu xuân mới, vượt dòng Thu Bồn, những chiếc thúng chai của Công ty Hội An Eco tour đã trung chuyển 30 du khách người Đan Mạch về một bãi bồi ở giữa sông Thu Bồn để tham gia tour du lịch trồng dừa nước.
Dù đã được giới thiệu kỹ lưỡng nhưng nhiều người trong đoàn không khỏi ngạc nhiên khi bước xuống giữa dòng nước mát lạnh, trực tiếp cầm dụng cụ đào đất trồng dừa. Và khi được nhân viên Công ty Hội An Eco tour trợ giúp, du khách đã không còn bỡ ngỡ; lần lượt từng người đã đào được những hố sâu dưới nước, trồng từng cây dừa giống đúng khoảng cách. Một du khách trong đoàn nói: “Tôi thấy rằng chúng tôi đã làm được những việc làm thật tuyệt vời, đó là vừa du lịch, vừa bảo vệ môi trường. Tôi hy vọng những cây dừa nước chúng tôi trồng ở đây sẽ sinh sôi, nảy nở, giúp bãi đất giữa lòng sông này có thêm những rặng dừa dày, tốt như những khu vực lân cận bên kia. Tôi sẽ trở lại nơi này để được thấy những thành quả lao động hôm nay của mình. Khi về nước, tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân của mình để họ biết và đến với quê hương của các bạn nhiều hơn”.
Với diện tích gần 80ha, rừng dừa nước là hệ sinh thái cảnh quan tự nhiên và cũng là nguồn lợi kinh tế của người dân Cẩm Thanh. Thời gian gần đây, nhiều tour du lịch đã được thiết kế riêng cho rừng dừa nước. Người dân đã làm nhiều sản phẩm thủ công như tranh dừa, nhà dừa phục vụ du lịch... Do vậy, giá trị của dừa nước được nâng lên nhanh chóng. Song hiện nay, dừa nước Cẩm Thanh cũng có nguy cơ suy thoái do người dân chuyển đổi thành các hồ nuôi tôm và nước biển dâng, thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường. Từ thực tiễn này, hơn 2 năm nay, Dự án “Sử dụng bền vững hệ sinh thái dừa nước Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam” do Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện đã giúp người dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ rừng dừa theo hướng bền vững. Tour du lịch trồng dừa nước này là sản phẩm đầu ra của Dự án “Sử dụng bền vững hệ sinh thái dừa nước Cẩm Thanh”. Ông Hoàng Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi rất hy vọng là sự kết hợp giữa các nhà, giữa khoa học, Nhà nước và nhà doanh nghiệp cùng cộng đồng địa phương thì những hoạt động như thế này sẽ được duy trì. Khi có nhiều khách tham quan họ sẽ đóng góp vào sinh kế của người dân địa phương. Và đặc biệt với sự tham gia của người dân và doanh nghiệp địa phương hy vọng dự án của chúng tôi sẽ bền vững và rừng dừa nước Cẩm Thanh sẽ được bảo tồn và phát triển”.
Là một doanh nghiệp đang hoạt động tại địa bàn, Hội An Eco tour đã sớm đón bắt cơ hội và có các chương trình cụ thể để khai thác lợi thế hình thức du lịch sinh thái, giúp du khách tìm đến những giá trị thân thiện, gần gũi của thiên nhiên, khám phá văn hóa địa phương. Tranh thủ sự tham gia của cộng đồng, Hội An Eco tour đã đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị xung quanh rừng dừa nước Cẩm Thanh, từ các hoạt động vãi chài, kéo cá trên sông đến đua thúng chai, tham quan rừng dừa, hát bả trạo, hô bài chòi và đặc biệt nhất là kêu gọi du khách trực tiếp trồng dừa nước.
Tour du lịch trồng dừa nước là một cách làm khá độc đáo trong chuỗi các hoạt động du lịch sinh thái tại Hội An. Duy trì tốt tour này không chỉ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch cho thành phố và sinh kế cho người dân sở tại mà còn góp phần vào mục tiêu có ý nghĩa lớn hơn là “nới” rộng diện tích rừng dừa, giảm nhiễm mặn và xói lở sâu vào bên trong khu vực nối liền cuối sông, cửa biển ở Hội An.