(TITC) - Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, cao nguyên đá Đồng Văn được định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia, đáp ứng mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất toàn cầu cho phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh.
Nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất, từ Đại cổ sinh, Đại trung sinh đến Đại tân sinh với 13 hệ tầng địa chất gồm: Chang Pung, Lut Xia, Si Ka, Bắc Bun, Mia Lé, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Hồng Ngài, Sông Hiến và Lân Pảng.
Các hoạt động kiến tạo địa chất đã chia cắt cao nguyên đá Đồng Văn thành các khối tảng và sự chuyển động phân dị mạnh mẽ về địa chất đã tạo ra chênh lệch địa hình lên đến cả ngàn mét, hình thành nên các hẻm vực, trong đó hẻm vực karst ở huyện Đồng Văn là đẹp và hùng vĩ. Quá trình này cũng tạo ra các“vườn đá”, “rừng đá”, hang động đẹp như: vườn đá Khâu Vai, vườn đá Lũng Pù (huyện Mèo Vạc); vườn đá Vần Chải, động Én ở Vần Chải (huyện Đồng Văn); hang Rồng ở Sảng Tủng; hang Khố Mỷ ở Tùng Vài (huyện Quản Bạ)… nhưng phổ biến nhất vẫn là những dãy núi cao ngất trời hình kim tự tháp với đỉnh nhọn, sườn dốc, vách đá tai mèo chạy dài nối tiếp nhau. Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ đặc trưng cho cao nguyên đá.
Đồng Văn còn được các nhà khoa học đánh giá là vùng có hệ địa – sinh thái núi đá độc đáo và đa dạng với quần xã rừng nguyên sinh còn tương đối nguyên vẹn và hệ động vật phong phú. Bên cạnh đó, kết quả khảo cổ học đã minh chứng sự tồn tại của nền văn hóa thời tiền sử tại Đồng Văn, tiêu biểu là văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm.
Đồng Văn là nơi sinh sống của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Mông...) với bản sắc văn hóa phong phú, tiêu biểu là những phiên chợ vùng cao như Phố Bảng, Đồng Văn, Lũng Cú, Sà Phìn… cùng các lễ hội đặc sắc. Tất cả hòa quyện vào nhau, làm đắm say biết bao du khách mỗi khi đến nơi đây.
Với những giá trị nổi bật, năm 2010, tại Lesvos (Hy Lạp), cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Sự kiện này đã góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách đến Hà Giang. Theo số liệu thống kê, năm 2014, Hà Giang đã đón 650.000 lượt khách, tăng 25% so với năm 2013, trong đó lượng khách thăm Cao nguyên đá Đồng Văn chiếm khoảng 80%.
Nắm bắt tiềm năng, sức hấp dẫn của Đồng Văn, Hà Giang đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng. Tính đến nay, cao nguyên đá Đồng Văn có 30 cơ sở lưu trú du lịch (1 khách sạn 2 sao, 4 khách sạn 1 sao, 25 nhà nghỉ) và 21 nhà hàng với chất lượng dịch vụ đạt chuẩn. Riêng hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc được đánh giá là vùng có dịch vụ du lịch phát triển sôi động nhất với 4 khách sạn từ 1 đến 2 sao, 12 nhà hàng. Ngoài ra, một khách sạn quy mô lớn nhất cao nguyên đá và nhiều cơ sở lưu trú có quy mô nhỏ cũng đang được đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, để từng bước đưa Đồng Văn trở thành điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững, đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được xây dựng và được Bộ VHTTDL ra quyết định phê duyệt. Phát triển du lịch khu vực cao nguyên đá góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương và góp phần đảm bảo ổn định chính trị khu vực vùng biên, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong chiến lược bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo đó, khu vực quy hoạch có diện tích là 235.680ha, trong đó tập trung vào 4 huyện vùng cao là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn có chức năng phục vụ tham quan, nghiên cứu, bảo tồn giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc địa phương. Đồng thời, khu vực này còn là điểm kết nối du lịch giữa các vùng trong tỉnh, khu vực trung du miền núi Bắc Bộ và mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu.
Những nỗ lực trên mở ra cơ hội mới để ngành du lịch Hà Giang phát triển xứng tầm với tiềm năng, trở thành đầu mối thúc đẩy phát triển du lịch miền núi Bắc Bộ.
Thanh Hải