(TITC) - Là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng và chứa đựng nền văn hóa phong phú được kết tinh qua nhiều thời đại, Hội An hiện lên như một bức tranh phủ màu rêu phong cổ kính nhưng sống động.
Để tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch thành phố đến du khách cũng như tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình kích cầu du lịch năm 2014, TP. Hội An đã tổ chức chương trình kích cầu du lịch năm 2015 với chủ đề “Ấn tượng Hội An”.
Chương trình kích cầu du lịch năm 2015 bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn, tập trung vào 3 thời điểm chính: dịp Tết Ất Mùi, dịp Tết Nguyên tiêu (21/2 đến 8/3) với chủ đề “Du ngoạn mùa xuân Hội An” và dịp tổ chức các sự kiện mùa hè (28/4 đến 30/8) kỷ niệm 40 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), 129 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2015), 6 năm Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (29/5/2009 - 29/5/2015), 55 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2015) với chủ đề “Ấn tượng Hội An - Cù Lao Chàm”. Ngoài ra, nhiều hoạt động khác cũng sẽ được tổ chức từ ngày 23/11/2015 đến 1/1/2016, bao gồm: lễ kỷ niệm 70 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2015), kỷ niệm 16 năm khu phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2015); lễ Giáng sinh và chào đón năm mới 2016 với chủ đề “Về Hội An - đón xuân di sản”…
Cùng với các hoạt động kích cầu du lịch, năm 2015, TP. Hội An vẫn tiếp tục tổ chức định kỳ chương trình “Đêm phố cổ Hội An” 2 lần/tháng; “Đêm Cù Lao Chàm” vào thứ 7 hàng tuần; lễ hội ẩm thực đường phố Hội An vào đêm thứ 6 hàng tuần...
Để chương trình kích cầu đạt hiệu quả cao, ngoài việc tổ chức các hoạt động tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, thành phố sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thực hiện các chương trình khuyến mãi như tặng gói dịch vụ cho khách lưu trú (tắm hơi, spa, tennis, đồ uống) tương đương 30% giá phòng, miễn phí tiệc buffet buổi trưa và tối hoặc tặng gói dịch vụ lưu trú có giá trị tăng thêm; các nhà hàng, điểm mua sắm thực hiện chương trình giảm 10 - 30% giá trị đơn hàng hoặc tặng gói sản phẩm có giá trị tương đương 10 - 30% giá trị đơn hàng…; các công ty lữ hành bán tour theo đúng giá niêm yết, không tăng giá tour, xây dựng tour du lịch với mức giá hợp lý kèm theo chính sách ưu đãi về chất lượng phục vụ hoặc có những chương trình khuyến mãi cho khách.
Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia các sự kiện quảng bá du lịch Hội An cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch, các dịch vụ du lịch mới, khuyến khích chủ động liên kết tổ chức sự kiện trong khối cơ sở kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ. Trước mắt thành phố sẽ cải thiện phương án bán và kiểm soát vé tham quan khu phố cổ; tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong ứng xử và giao tiếp của cán bộ kiểm soát vé; tăng cường công tác chấn chỉnh môi trường du lịch, đánh giá chất lượng dịch vụ và sẽ công khai trên các phương tiện đại chúng những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không đảm bảo chất lượng dịch vụ theo yêu cầu hoặc bán không theo giá niêm yết.
Chương trình kích cầu du lịch Hội An năm 2015 sẽ góp phần giúp Hội An hoàn thành mục tiêu thu hút khoảng 2 triệu lượt khách trong năm 2015, trong đó khách nội địa đạt hơn 950 nghìn lượt, khách quốc tế đạt 1 triệu lượt.
Nằm ở vùng hạ lưu ngã 3 sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, TP. Hội An có 13 xã, phường, trong đó có 1 xã đảo Tân Hiệp. Hội An có 7km đường bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, trong đó bãi tắm Cửa Đại là một trong những bãi tắm đẹp nổi tiếng.
Từ thế kỷ 16 đến 19, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông – Tây. Các thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan... thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hoá. Trong lịch sử hình thành và phát triển, Hội An được thế giới biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, phổ biến là Faifo, Haisfo, Hoài phố, Ketchem, Cotam.
Các công trình kiến trúc ở Hội An (nhà cổ, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, chợ, cầu, giếng, bến cảng và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ), những làng nghề truyền thống (mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, chiếu hoa Bàn Thạch, đúc đồng Phước Kiều, rau Trà Quế...), các lễ hội và những món ẩm thực truyền thống còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn ở Hội An đã chứng minh đây là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hoá: Chăm, Việt, Trung Hoa, Nhật Bản...
Với kho tàng văn hóa đa dạng, Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1999.
|
Thanh Hải