Trong hai ngày từ 6 - 7/3 (tức ngày 16 - 17 tháng Giêng âm lịch), tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, hàng vạn du khách thập phương và nhân dân trong vùng đã có mặt chứng kiến lễ hội chọi trâu được coi là cổ nhất Việt Nam.
Bất chấp trời mưa phùn, các khán giả vẫn đổ về kín cả bốn khán đài để được tận mắt xem các trận đấu giữa các "ông cầu".
Lễ hội năm nay có 32 "ông cầu" tham gia thi đấu ở 16 trận đấu loại, bốn trâu thắng ở vòng loại thứ ba đấu vòng tròn để tranh giải Nhất và Nhì.
Ông Nguyễn Đức Dục, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Lựu, cho biết các “ông cầu” được mua về từ các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ... qua tuyển chọn kỹ càng, theo những tiêu chí như mình trường, móng hến, đuôi trai, sừng khum, mắt đỏ, đặc biệt các "ông cầu" phải đủ 250 vanh (vòng ngực) trở lên mới được thi đấu, được chăm sóc, huấn luyện bằng chế độ đặc biệt trong suốt hơn nửa năm.
Ban tổ chức đã trao giải nhất cho "ông cầu" của Hội Nông dân xã Hải Lựu với phần thưởng 45 triệu đồng; "ông cầu" của gia đình ông Đỗ Duy Hạnh đạt giải Nhì với phần thưởng 40 triệu đồng.
Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, năm nay Ủy ban Nhân dân xã Hải Lựu tập trung vào việc mở rộng khán đài A, nâng sức chứa của sân chọi lên 40.000 - 50.000 người.
Ban Tổ chức lễ hội phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, đội kiểm tra làm tốt công tác kiểm tra các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình diễn ra lễ hội.
Các lực lượng làm công tác an ninh trật tự, quản lý thị trường kiểm tra chặt chẽ nhằm ngăn chặn nạn chặt chém khách hàng từ các dịch vụ trông xe đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng ăn uống, dịch vụ lễ hội trên địa bàn.