Đệ trình UNESCO Hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam”
Cập nhật: 10/03/2015
Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8868/VPCP-KGVX ngày 05/11/2012, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO xét ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng hồ sơ, Bộ VHTTDL đã tiếp thu ý kiến của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và thấy rằng, tên gọi “Tục chơi Bài Chòi mùa xuân của người Việt vùng Nam Trung Bộ” như trong Danh sách dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO không phản ánh được hết đặc trưng, giá trị của di sản. Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng, Bộ VHTTDL kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đổi tên hồ sơ thành “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” để thể hiện chính xác nội dung và đầy đủ giá trị của di sản văn hóa này, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO đối với di sản đệ trình vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ đã được sửa chữa, hoàn chỉnh theo kết luận của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Trước đó, Bộ đã có văn bản gửi tới các tỉnh, thành phố yêu cầu cử lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tham gia ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ; các Sở phối hợp với Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) thực hiện kiểm kê di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn. Phạm vi thực hiện hồ sơ quốc gia Bài Chòi gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung từ Quảng Bình tới Bình Thuận (không bao gồm Tây Nguyên), gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Cinet