Năm 2009, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 15 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, ngành Du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển tích cực: Công tác quy hoạch du lịch được tổ chức triển khai đồng bộ, có trọng điểm; hạ tầng du lịch được đầu tư, mở rộng, nâng cấp; số lượng khách sạn, nhà hàng cao cấp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh; chất lượng nguồn nhân lực du lịch được nâng cao..., góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng doanh thu, tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều người dân.
|
Chùa Bái Đính - TP. Ninh Bình |
Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư, nâng cấp
Với phương châm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong nhiều năm qua, Ninh Bình đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Tranh thủ sự quan tâm của các bộ, ngành T.Ư, 5 năm qua, đã có nhiều dự án, công trình văn hóa phục vụ phát triển du lịch được Nhà nước đầu tư trên địa bàn, như: Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành... với tổng kinh phí dự toán trên 9 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, với phương châm “xã hội hóa du lịch”, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân cùng đầu tư phát triển du lịch. Do vậy trong 5 năm, toàn tỉnh đã thu hút 33 dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch với số vốn đăng ký trên 12.568 tỷ đồng. Tiêu biểu là Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ vào khu du lịch sinh thái Thung Nham với tổng số vốn 23,1 tỷ đồng; Khu dịch vụ trung tâm thành phố Ninh Bình đã thu hút 11 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 2.654 tỷ đồng bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp… Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn cao cấp, tiêu biểu như: Nhà hàng Cung đình Ngọc Minh, Nhà hàng Hoàng Long (thành phố Ninh Bình), Nhà hàng Hoàng Giang (huyện Hoa Lư) và các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, như: Sân Golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, Khu Công viên văn hóa thể thao, vui chơi giải trí Đông Thành, siêu thị Big C, siêu thị Vinmart…
Ông Hoàng Đình Chương ở tỉnh Khánh Hòa cho biết: ông đã đến Ninh Bình khá nhiều lần, riêng đến với Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thì đây là lần thứ 4. Lần đầu tiên ông đến Tam Cốc vào năm 1997, lúc đó Tam Cốc chưa nổi tiếng lắm nên du khách đến tham quan còn ít. 10 năm sau ông lại có dịp trở lại tham quan nơi này, Tam Cốc đã tấp nập cảnh trên bến, dưới thuyền, xuất hiện nhiều khách Tây. Nhưng vấn đề môi trường, văn minh du lịch vẫn còn bất cập. Và dịp đầu xuân ất Mùi, ông cùng gia đình đi tuor du lịch Tràng An - Bái Đính - Tam Cốc, ông thấy những bất cập trên đã được khắc phục rất nhiều. Người Ninh Bình có quyền tự hào có Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Với riêng cá nhân ông thì mỗi lần đến với Tam Cốc - Bích Động, Tràng An là một lần khám phá về thiên nhiên và con người nơi đây.
Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Hoàng Giang cho biết, ngay khi khu du lịch Tràng An bắt đầu hình thành, nhận thấy tiềm năng của mô hình du lịch sinh thái, năm 2009, ông quyết định đầu tư kinh doanh dịch vụ ăn uống và du thuyền trên sông Hoàng Long. Sau 2 năm đầu tư, ông bắt đầu khai thác khu nhà hàng để phục vụ du khách. Đến nay, khu du lịch sinh thái Hoàng Giang và khu du lịch sinh thái Tràng An đã được bạn bè, du khách trong và ngoài nước biết đến. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Khu du lịch sinh thái Hoàng Giang đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng và hiện nay đang có nhiều đối tác trong nước, quốc tế đến hợp tác cùng đầu tư... Thành quả của sự “nằm gai, nếm mật đã được đền đáp một cách xứng đáng”. Sự lựa chọn đầu tư vào du lịch Ninh Bình của cá nhân ông hoàn toàn đúng đắn.
Với sự tham gia vào cuộc một cách tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh đã có 284 cơ sở lưu trú (tăng 162% so với năm 2009) với 4.384 phòng nghỉ (tăng 160,7% so với năm 2009), trong đó có thêm 851 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao.
Tiếp tục mở rộng hướng đầu tư
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch là điều kiện then chốt để nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp không khói trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Việc Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới là một minh chứng cho thấy đầu tư phát triển hạ tầng du lịch là một hướng đi đúng. Khách du lịch đã biết đến Ninh Bình nhiều hơn. Năm 2013, tỉnh ta đã đón 4,39 triệu lượt khách (tăng 99% so với năm 2009), trong đó có 750 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 897,4 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 37,63% so với năm 2009.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy việc thu hút đầu tư vào du lịch vẫn còn nhiều bất cập, đó là hạ tầng kỹ thuật du lịch còn thiếu đồng bộ. Nguồn vốn của các dự án đầu tư du lịch bị ảnh hưởng do Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ; chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ đã tác động không nhỏ đến tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Trong khi đó nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính dẫn tới một số dự án du lịch bị chậm tiến độ (một số khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng tại Khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn). Sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình chủ yếu vẫn dựa vào những lợi thế tự nhiên sẵn có, sản phẩm và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn đơn điệu; chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn, nghỉ còn thấp; các khu du lịch thiếu nhiều dịch vụ hỗ trợ như: Dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa, mua sắm... điều đó làm giảm sức hút đối với du khách, lượng khách lưu trú, nhất là khách quốc tế tăng trưởng chậm...
Theo ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc khu du lịch sinh thái Hoàng Giang, thu hút khách đã khó nhưng giữ chân du khách ở lại nhiều ngày thì càng khó hơn. Điều đó đòi hỏi những người làm du lịch phải không ngừng đổi mới cách phục vụ với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Để phục vụ du khách và để “níu chân” du khách cần có một hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ từ ăn uống đến vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng. Hiện nay, tôi đang tiếp tục đầu tư để hoàn thiện dự án phục vụ du khách, du thuyền trên sông Hoàng Long. Vì vậy, tôi mong muốn được tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, nhất là về vốn và ưu đãi về thuế cho thuê mặt bằng để khu du lịch sinh thái Hoàng Giang nói riêng và du lịch Ninh Bình nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, những bất cập qua hơn 5 năm thực Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được tỉnh nhìn nhận, đánh giá để có giải pháp khắc phục kịp thời. Theo đó, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Thực hiện đầu tư cuốn chiếu, chú trọng vào các dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển du lịch, như: Quần thể danh thắng Tràng An, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế (thành phố Ninh Bình), Khu Công viên động vật hoang dã quốc gia tại huyện Nho Quan, nạo vét tuyến du lịch sông Sào Khê, đoạn từ Cố đô Hoa Lư đến Tam Cốc, các dự án sân golf, Khu Kênh Gà - động Vân Trình…
Kết hợp hài hòa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Ninh Bình sẽ có điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, thực hiện mục tiêu hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng và độc đáo, tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với tạo việc làm, góp phần đưa Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch phía Bắc và cả nước.