Lai Châu nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cống
Cập nhật: 03/04/2015
Hiện nay, dân tộc Cống sinh sống tập trung ở 2 xã: Nậm Khao và Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với 1.068 nhân khẩu. Là dân tộc rất ít người nhưng đồng bào dân tộc Cống có đời sống văn hóa khá phong phú, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được duy trì từ đời này qua đời khác.
 

Trong vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, nhiều phong tục, tập quán, làn điệu dân ca, lễ hội của dân tộc Cống đã được phục dựng, bà con nhân dân đồng tình, tạo hiệu ứng xã hội tích cực trong đồng bào các dân tộc vùng ngập thủy điện Lai Châu.

Trong các lễ hội đặc sắc của dân tộc Cống không thể không kể đến Tết Ngô. Tết Ngô được người Cống ở xã Nậm Khao tổ chức vào ngày 1/6 âm lịch hằng năm. Đồ lễ chính được chế biến từ ngô như bánh ngô, cơm ngô, ngô luộc và những sản vật của núi rừng để dâng lên thần linh cảm tạ trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà. Vào những ngày Tết Ngô, già trẻ, gái trai trong bản lại tụ tập ở nhà văn hóa thôn, bản để tham gia biểu diễn văn nghệ và tổ chức các trò chơi dân gian của dân tộc mình.

Ông Tống Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được huyện đặc biệt chú trọng, nhất là giá trị văn hóa của các vùng dân tộc thiểu số, vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu. Đối với dân tộc Cống ở các xã Nậm Khao, Kan Hồ, huyện bố trí hỗ trợ một phần kinh phí, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh phục dựng các lễ hội như: Lễ hội cúng bản, Lễ hội Tết Ngô... Đồng thời bổ sung thêm các phần thi văn hóa, văn nghệ và các môn thể thao truyền thống của dân tộc. Huyện cũng đã vận động bà con dân tộc Cống ở xã Nậm Khao sau khi tái định cư Thủy điện Lai Châu, chuyển đến nơi ở mới phát huy phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, nhanh chóng ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo…

Đến nay, 2 xã Nậm Khao, Kan Hồ có dân tộc Cống sinh sống đã xây dựng được 4 đội văn nghệ quần chúng tại các bản. Các thiết chế nhà văn hóa, thiết bị hoạt động cũng được tỉnh, huyện đầu tư. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện khai quật 5 di khảo cổ thời đồ đá có niên đại từ 4.000 – 5.000 năm tại các bản: Nậm Luồng, Pô Lếch xã Kan Hồ, nơi có đồng bào dân tộc Cống sinh sống từ hàng nghìn năm trước. “Thời gian tới, huyện Mường Tè tiếp tục đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, chú trọng xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm. Đồng thời, hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng của đồng bào dân tộc Cống hoạt động thường xuyên, chi ngân sách cho các hoạt động văn hóa để bảo tồn những phong tục văn hóa tốt đẹp”, ông Tống Văn Dương cho biết những giải pháp cơ bản để huyện Mường Tè tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Cống.

Báo Văn hóa