(TITC) – Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Ha Noi 2015, sáng ngày 4/4/2015 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo giới thiệu thị trường nguồn Anh-Đức. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Quốc Hưng chủ trì buổi hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các vụ, chuyên viên của TCDL, các đơn vị sự nghiệp của TCDL; đại diện lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch; các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, cơ sở đào tạo du lịch.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh, công tác nghiên cứu thị trường là định hướng để các địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng sản phẩm cũng như quảng bá xúc tiến nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và Chiến lược marketing Du lịch Việt Nam xác định việc nghiên cứu thị trường là một công tác đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở đó, năm 2014, TCDL đã dành kinh phí, tập trung đội ngũ cán bộ, chuyên viên và chuyên gia để nghiên cứu 8 thị trường trọng điểm, trong đó có thị trường Anh và Đức - 2 thị trường hàng đầu tại châu Âu của du lịch Việt Nam. Trong những năm qua, thị trường Anh và Đức đã gửi lượng lớn khách du lịch có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày đến Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo
Tại buổi hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch Lê Tuấn Anh đã thay mặt nhóm nghiên cứu giới thiệu kết quả nghiên cứu thị trường khách du lịch Anh. Năm 2013, khách du lịch Anh đến Việt Nam đạt 184.663 lượt, tăng khoảng 8,4% so với năm 2012. Khách Anh lựa chọn điểm đến Việt Nam vì Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên đẹp và hoang sơ, điểm đến hấp dẫn, nền văn hóa đa dạng, đặc sắc và chi phí hợp lý.
Báo cáo cũng chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch Anh. Theo đó, Việt Nam có thế mạnh là điểm đến mới nổi; có sản phẩm du lịch đa dạng, phù hợp nhu cầu thị hiếu của hầu hết các phân khúc thị trường Anh; có đường hàng không kết nối trực tiếp với Anh; từ Việt Nam, du khách có thể dễ dàng kết nối với các điểm đến khác trong khu vực… Bên cạnh những mặt thuận lợi, du lịch Việt Nam còn tồn tại những điểm hạn chế như chưa có văn phòng đại diện du lịch tại Anh, yêu cầu thị thực (visa) với khách Anh còn phức tạp, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ chưa cao... Vì vậy, một số giải pháp đã được nhóm nghiên cứu đề xuất để tăng cường thu hút khách Anh như: xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu khách Anh; tăng cường xúc tiến quảng bá; thúc đẩy liên kết hàng không, du lịch; đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; thành lập văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam tại Anh.
Tiếp đó, Phó Vụ trưởng Vụ Khách Sạn Nguyễn Thanh Bình đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường khách du lịch Đức. Đức được xác định là thị trường nguồn quan trọng, luôn nằm trong top 15 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2014, Đức là thị trường nguồn có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 142.345 lượt, tăng 45,7% so với năm 2013.
Đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện; tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn; sản phẩm du lịch đa dạng, phù hợp thị hiếu của du khách Đức; đường hàng không thuận lợi; các cơ sở lưu trú du lịch và nhà hàng đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch Đức… Tuy nhiên, du khách Đức còn gặp khó khăn khi tiếp cận những thông tin chính thống về du lịch Việt Nam. Vì vậy, các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông về du lịch Việt Nam tới du khách Đức là công tác hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, các công tác định hướng, đảm bảo chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm du lịch đặc thù cho khách du lịch Đức như: nghỉ dưỡng biển đảo, văn hóa, sinh thái, cộng đồng, MICE, du lịch cho giới trẻ, du lịch cuối tuần và ngày lễ dành cho các doanh nhân Đức… cũng rất cần được quan tâm và đầu tư. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần đầu tư xây dựng các website tiếng Đức để quảng bá vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ (tiếng Đức) cho các hướng dẫn viên, cán bộ, nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú du lịch... nhằm thu hút thêm khách từ thị trường Đức.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất ý kiến để hoàn thiện thêm báo cáo nghiên cứu thị trường khách du lịch Anh và Đức, cụ thể như cần tăng cường, kết nối hoạt động của TCDL với các doanh nghiệp du lịch và hàng không để góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, giảm thiểu chi phí tour nhằm tạo điều kiện thu hút nhiều hơn khách du lịch Anh, Đức nói riêng và du khách quốc tế nói chung; ngoài ra cần định hướng từng phân khúc thị trường khách sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của du lịch Việt Nam.
Phương Mai