Bảo tồn nghệ thuật truyền thống từ các không gian diễn xướng cung đình
Cập nhật: 06/04/2015
Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ ở các điểm tham quan thuộc hệ thống di sản Huế, từ tháng 4/2015 Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ) cũng đã mở ra nhiều không gian nghệ thuật diễn xướng độc đáo.
 

Việc biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống Huế như: Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng cung đình, Ca Huế… không chỉ góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách.

Tại Hoàng cung Huế, ngoài các điểm trưng bày, triển lãm tư liệu ở Thái Bình Lâu, khu vực Trường Lang…, TTBTDTCĐ Huế còn “làm mới” không gian biểu diễn nghệ thuật ở Nhà hát Duyệt Thị Đường. Đây được xem là nhà hát cổ nhất tại Việt Nam hiện nay, với tuổi thọ gần 200 năm. Lâu nay, các nghệ sĩ của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế vẫn biểu diễn phục vụ du khách tại đây với các loại hình nghệ thuật: Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng cung đình…

Lần này, TTBTDTCĐ Huế đã chỉnh trang lại phần sân khấu của nhà hát, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đồng thời bảo tồn các giá trị di sản của Nhã nhạc Cung đình Huế. Việc trang trí lại nội thất, sân khấu đã làm cho không gian diễn xướng ở Duyệt Thị Đường trở thành điểm đến hấp dẫn trong tour tham quan Hoàng cung Huế. Không chỉ thưởng thức về nghệ thuật, tại tầng 2 của Duyệt Thị Đường, TTBTDTCĐ Huế cũng mở thêm không gian trưng bày giúp du khách tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật di sản của Huế qua những hình ảnh, tư liệu, phục trang…

Nghệ sĩ Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết, việc mở rộng tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở các điểm di tích Huế đã góp phần vào công tác bảo tồn giá trị các loại hình nghệ thuật của Cung đình Huế. Tại Duyệt Thị Đường, mỗi ngày nhà hát tổ chức hai suất diễn với hơn 40 nghệ sĩ biểu diễn ở mỗi suất. Các tiết mục được biểu diễn là nhiều bài bản nhã nhạc, điệu múa cung đình, trích đoạn tuồng cung đình được nhà hát phục dựng. “Việc biểu diễn thường xuyên các loại hình nghệ thuật truyền thống này đã góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Cung đình Huế. Mỗi nghệ sĩ khi đứng lên sân khấu cũng đã đóng góp không nhỏ cho công tác bảo tồn di sản phi vật thể của nhân loại”, ông Cương nói.

Trong thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cũng đã sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn trên 40 bài nhạc lễ, xây dựng nhiều tiết mục múa Cung đình đặc sắc như: Lục cúng hoa đăng, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất Lân nhi, Lục triệt hoa mã đăng..., các trích đoạn Tuồng Cung đình tiêu biểu trong vở Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Quần phương tập khánh…

Việc tổ chức các không gian diễn xướng cung đình tại các điểm di tích trước hết là góp phần bảo tồn nghệ thuật cung đình đúng môi trường diễn xướng nguyên thủy của nó. Ngoài không gian diễn xướng ở Duyệt Thị Đường, TTBTDTCĐ Huế cũng tổ chức các buổi trình tấu Tiểu nhạc tại sân điện Thái Hòa; Đại nhạc được trình tấu tại di tích Hiển Lâm Các…

Không gian diễn xướng cũng được mở rộng đến các điểm di tích khác ngoài khu vực Hoàng cung Huế. Tại lăng Tự Đức, sau khi hoàn thành trùng tu công trình Xung Khiêm Tạ - nằm trên mặt hồ Lưu Khiêm, TTBTDTCĐ Huế xây dựng một không gian diễn xướng độc đáo mang nét truyền thống cổ xưa. Hàng ngày, các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cũng biểu diễn loại hình ca Huế với những bài bản cổ và ngâm thơ với các tác phẩm đã từng được vua Tự Đức sáng tác. Không gian diễn xướng độc đáo này phục vụ du khách thưởng thức miễn phí khi đến tham quan lăng Tự Đức.

Ông Hải Trung cho biết, việc xây dựng các không gian diễn xướng cung đình, không gian trưng bày… là chuỗi hoạt động nằm trong Đề án nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Việc tổ chức trình diễn nghệ thuật tại các điểm di tích Cố đô Huế cũng được nghiên cứu về sự phù hợp của nó, không phải điểm di tích nào cũng được tổ chức trình diễn; cũng không phải một loại hình nghệ thuật cụ thể nào đó lại có thể trình diễn ở bất cứ di tích nào.

“Khi xây dựng các dự án trùng tu di tích, chúng tôi luôn chú trọng phần hồn của di tích sau khi được trùng tu, phục hồi. Sau khi được trùng tu, các di tích cần được tiến hành nghiên cứu, xây dựng nội dung trưng bày phù hợp, không gian diễn xướng phù hợp nhằm tạo nên một không gian hoàn chỉnh khi đưa vào phục vụ du lịch”, ông Trung nhấn mạnh.

Báo Văn hóa