Hưng Yên đón nhận bằng xếp hạng Khu di tích Phố Hiến là di tích quốc gia đặc biệt
Cập nhật: 27/04/2015
(TITC) - Tối ngày 26/4/2015, tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh (TP. Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Khu di tích Phố Hiến là di tích quốc gia đặc biệt.

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Thông; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Hào; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Thế Cường; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên cùng đông đảo nhân dân và du khách.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Thế Cường đã khẳng định, tiếp tục kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, tỉnh Hưng Yên sẽ bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Phố Hiến ngày càng phát triển, phù hợp với đời sống văn minh ngày nay.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã trao bằng công nhận Khu di tích Phố Hiến là di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.

Sau lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đã đánh trống khai hội lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến.

Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến bao gồm nhiều hoạt động: lễ tế; lễ dâng hương; lễ cầu an; lễ rước kiệu; thi cầu kiều; kéo co; chọi gà; cờ tướng; bơi chải; đàn và hát dân ca; hội thi thả diều sáo; trưng bày, giới thiệu đặc sản vùng Phố Hiến; trưng bày, giới thiệu cổ vật… nhằm tái hiện lại những nét văn hóa đặc sắc của một vùng đất đã từng nổi tiếng vào thế kỷ 16, 17.

Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, bên bờ hai con sông Hồng và sông Luộc đỏ mịn phù sa, Phố Hiến (nay thuộc TP. Hưng Yên) đã từng là một thương cảng sầm uất ở Đằng Ngoài, nổi tiếng bởi câu ca "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" vào thế kỷ thứ 16, 17.

Vào thời đó, nếu Thăng Long (Hà Nội ngày nay) có 36 phố phường thì Phố Hiến khi ấy có tới 23 phố phường. Hơn nữa, đoạn sông Nhị Hà chảy sát Phố Hiến là nơi hội tụ của những con sông nối biển Đông tới kinh thành Thăng Long. Bởi thế, các thuyền buôn từ các nước Đông Á, phương Tây, chủ yếu là các thuyền buôn của người Hoa, người Nhật tập trung tại cảng Phố Hiến để trao đổi hàng hóa, tạo nên khung cảnh cảng biển Phố Hiến sầm uất, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.

Trải qua thời gian, Phố Hiến hiện không còn là thương cảng lớn nhất Đằng Ngoài một thời nhưng nơi đây vẫn bảo tồn, gìn giữ hơn 100 di tích lịch sử - văn hóa có giá trị (đền Mây, đền Trần, đền Mẫu, chùa Chuông, chùa Hiến, chùa Nễ Châu, Văn Miếu Xích Đằng, Đông Đô Quảng Hội…), in dấu cuộc sống xa hoa, đô hội của người dân cũng như của các thương nhân Nhật, Hoa... tại Phố Hiến xưa.

 
 
Thanh Hải