(TITC) - Trải rộng trên diện tích gần 2.356km² thuộc địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn (Hà Giang), công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn ngoài sở hữu quần thể núi đá tai mèo hùng vĩ còn có hệ thống hang động mang vẻ đẹp kỳ thú, trong đó có hang Rồng (thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc).
|
Nguồn ảnh: Internet |
Hang Rồng được cấu tạo hoàn toàn từ các trầm tích đá vôi hình thành từ cách đây hàng nghìn năm, có hai cửa vào, ra rất hẹp, chỉ vừa một người chui qua và bao gồm hai hang động với tổng diện tích khoảng 300m², nằm sát nhau nhưng không có đường thông nhau. Hang Rồng 1 là một khoang rỗng được hình thành bởi sự bào mòn của dòng nước ngầm thấm qua các kẽ đá. Trần hang hình mái vòm rộng và cao. Từ trần hang, những mảng nhũ đá lớn chảy xuống nền hang trơn, nhẵn tạo thành những bức tường nhũ đá chia cắt lòng hang thành 4 phòng thông nhau bởi lối đi hẹp. Ngoài ra, hang còn có nhiều khối thạch nhũ với những hình thù khác nhau như: tượng Phật Quan Thế Âm Bồ tát, Phật tổ Như Lai đang ngồi tụng kinh; chùm đèn pha lê; chùm khế; vòi con Bạch tuộc; cá Sấu; san hô và đặc biệt là những cột thạch nhũ dựng đứng trông giống như những cái tua của con sứa đang bơi, khi gõ vào phát ra âm thanh du dương như tiếng đàn ta lư của đồng bào dân tộc Vân Kiều... Hiện nay, trong hang vẫn diễn ra quá trình tạo nhũ bởi nước từ trên mặt đất ngấm qua trần hang nhỏ xuống nền hang. Hang Rồng 2 (hay còn được gọi là hang Dơi bởi trong hang có rất nhiều dơi sinh sống) có 2 cửa vào, ra hẹp, nằm cách nhau 5m. Lòng hang nhỏ, trên trần hang có rất ít thạch nhũ, nền hang trơn, nhẵn, dốc dần về cuối hang với độ dốc lớn.
Bao quanh khu vực hang Rồng là những dãy núi đá tai mèo đặc trưng của vùng Cao nguyên đá Hà Giang và những khu rừng nguyên sinh xanh tốt. Kế tiếp là những nương ngô được trồng theo lối canh tác thổ canh hốc đá truyền thống của đồng bào Mông. Tất cả càng làm tăng giá trị thẩm mỹ có một không hai chỉ cao nguyên đá Đồng Văn mới có.
Để khai thác hiệu quả hang Rồng phục vụ du lịch cũng như đưa hang Rồng trở thành điểm nhấn trên tuyến đường du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, vừa qua, huyện Mèo Vạc đã tổ chức khảo sát hang Rồng để chuẩn bị đầu tư quy hoạch xây dựng hang Rồng bao gồm các hạng mục như: mở rộng cửa hang, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trong hang, mở đường dẫn tới cửa hang với hai bên trồng các loài hoa: tam giác mạch, bạc hà, cải vàng. Bên cạnh đó, dưới chân núi Rồng đầu tư quy hoạch bãi đỗ xe, điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi sau chặng đường leo núi khám phá hang Rồng; đồng thời khuyến khích người dân địa phương làm các sản phẩm thủ công truyền thống để bán cho khách du lịch như: mật ong bạc hà, rượu ngô men lá và các mặt hàng bằng thổ cẩm…
Hang Rồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia vào năm 2014.
Thanh Hải