Độc đáo xe ngựa du lịch vùng Bảy Núi
Cập nhật: 19/06/2015
Vùng Bảy Núi (An Giang) mộng mơ, huyền bí với những khúc tráng ca một thời đạn bom oanh liệt. Vẻ đẹp của Bảy Núi được tạo hình bằng nét cọ của thiên nhiên, nét văn hóa của con người và cả những chiếc xe ngựa loáng thoáng vụt qua dưới ánh nắng chiều tà giăng trên con đường trập trùng rừng núi…

Theo lời kể của nhiều cụ cao niên, ngựa ở Bảy Núi không biết được nuôi từ bao giờ, khi họ lớn lên đã được chở trên chiếc xe ngựa này rồi. Tuy nhiên, việc nuôi ngựa ở vùng này ngày càng ít đi, hiện chỉ còn đồng bào Kh’mer nuôi ngựa.

Thời “hoàng kim” của ngựa Bảy Núi

Ngựa Bảy Núi thường là ngựa lông vàng, thỉnh thoảng có vài gia đình nuôi ngựa bạch và “ngựa bông”. Ngựa dáng nhỏ nhắn, chỉ cao từ 1,1 - 1,2m, chiều dài 1,3 - 1,4m.

Muốn sở hữu con ngựa kéo xe để “kiếm cơm” phải xuất vốn từ 15 - 18 triệu đồng. Trước kia, muốn mua ngựa chỉ cần dạo quanh vùng Bảy Núi, chọn con nào ưng ý trả giá; thương lái bên Campuchia cũng thường qua Bảy Núi tìm mua ngựa tốt. Giờ muốn mua ngựa, bà con ở Bảy Núi phải qua tận huyện Kirivông, tỉnh Tàkeo nước bạn Campuchia.

Tuy thân hình nhỏ nhắn, nhưng về sức kéo rất dẻo dai, mỗi chuyến “bo”, ngựa chở từ 500 - 700kg. Ngựa sống rất thọ, tuổi đời khoảng 60 - 70 năm, trừ khi bệnh tật, còn về “phong độ” thì “ngựa già” vẫn chở hàng như “ngựa trẻ”.

Tuy lấy sức ngựa làm “chén cơm”, nhưng các tay nuôi và “bo ngựa” ở Bảy Núi cũng rất điệu nghệ. Để ngựa có “sức hút”, nhìn bắt mắt, người ta thường “tỉa lông” lưng, trang trí bông xanh, đỏ trên lưng; gắn lục lạc cho phát ra tiếng kêu leng keng hòa với tiếng chân lụp cụp khi ngựa chạy. Hai bên mắt ngựa luôn có “miếng che”, không để ngựa “phân tâm” với cảnh vật hai bên, chỉ tập trung nhìn về trước và chạy.

Vài mươi năm trước, bánh và thùng xe ngựa chủ yếu được làm bằng cây, ngày nay, để thuận tiện hơn, người ta thay bánh cây bằng “bánh hơi”, sườn xe làm bằng sắt, sức chở nhiều hơn, bền chắc, thích hợp cho nhiều loại địa hình.

Lời kể của ông Chau Da (ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên), với hơn 30 năm “bo ngựa” đã tái hiện lại một thời hoàng kim của nghề nuôi “bo ngựa” ở Bảy Núi: Trước kia, cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn, xe ngựa là phương tiện chính để đi lại, vận chuyển rau quả từ khắp các nơi trong núi, trên ruộng về phum, sóc, ra chợ bán. Vì vậy, ở Bảy Núi rất nhiều gia đình nuôi ngựa, nhất là bà con Khmer. Khi mọi hoạt động sản xuất bắt đầu thì từng đoàn xe ngựa dong ruổi trên mọi ngả đường xứ núi suốt ngày ngày lễ - tết đồng bào Khmer đến chùa bằng xe ngựa tiếng lục lạc, tiếng chân lụp cụp của ngựa vang vọng cả phum, sóc, núi rừng.

Cách đây khoảng sáu năm về trước, ai cũng biết đến sự nhộn nhịp, nét đặc biệt của hai bến xe ngựa Vĩnh Trung và Chi Lăng (Tịnh Biên). Buổi sáng, gần trăm chiếc xe ngựa từ khắp các nơi “bo” đến hai “bến ngựa” chờ khách. Theo ông Chau Da, đời ba ông và ông cũng đã gắn liền với hai bến xe ngựa này. Thời đó, một ngày “bo ngựa” chở khách hay nông sản cũng kiếm được vài ngàn đồng, đến vài chục ngàn đồng. Chiếc xe ngựa nuôi sống được cả gia đình.

Nghề “bo ngựa” tự hào xứ Bảy Núi

Ngoài chở khách và hàng hóa, những người làm nghề “bo ngựa” Bảy Núi còn phục vụ cho những sự kiện văn hóa - lễ hội trong và ngoài tỉnh. Để “bo ngựa” cho lễ hội, chở khách du lịch, chiếc xe ngựa hàng ngày phải được “thay áo” - làm mái, lợp khung, treo cờ màu sắc lộng lẫy. Một ngày “bo xe” cho lễ hội thù lao được 300 ngàn, có thêm tiền boa của khách và ban tổ chức lễ hội. Mười mấy người “bo ngựa” ở đây cũng thấy tự hào vì ngựa mình góp phần thu hút khách trong lễ hội. Ngoài các lễ hội ở Tịnh Biên, Tri Tôn, còn “bo” cho lễ hội ở Núi Sập, Vía Bà ở Châu Đốc, lễ hội ở Cần Thơ. Người ta còn nhờ mình đi chăm sóc ngựa, vì họ đem ngựa xứ khác về phục vụ lễ hội mà không biết nuôi ra sao…” - ông Chau Da cười chân tình, tự hào về cái nghề nuôi ngựa, bo ngựa ở xứ mình.

Tập “bo”, tận mắt thấy những “tay ngựa” tỉa tót, lau chùi cho ngựa trò chuyện với những người xem ngựa là bạn, vui mừng khi khách du lịch chụp ảnh với ngựa của mình… tôi mới cảm nhận được vì sao, ngày nay, dù cuộc sống phát triển, họ vẫn giữ gìn, quý trọng con ngựa của mình. Đó không đơn thuần là dư âm của quá khứ, đó là niềm đam mê nghệ thuật; một cuộc sống bình dị, thôn dã, mà rất nhiều người muốn được lên xe cầm dây cương “bo ngựa”. “Bo ngựa thấy vậy chứ vui lắm, ngày nào không bo ngựa thì thấy khó chịu, hình như ngồi cho ngựa chạy mình quen rồi” – lời của anh Chau Thay ở Vĩnh Trung là cách diễn đạt một thú chơi mà ta cho là “lãng tử” là nghệ thuật…

Rời xe ngựa, ngồi lên chiếc honda lao vút rời Bảy Núi, luyến tiếc, tôi vẫn ngoái cổ nhìn chiếc xe ngựa thoáng vụt qua phía đường sau; dẫu xa, tiếng xe honda vẫn không át được tiếng chân lụp cụp, leng keng nhịp nhàng của xe ngựa. Trong tâm thức, một thoáng cảm xúc hiện về, hình ảnh hai bến xe ngựa được tái dựng lại một nơi nào đó ở Bảy Núi chắc hẳn cảnh vật, con người phố núi sẽ đẹp hơn, vui hơn nhiều. Và biết đâu, hai bến xe ngựa, những người sống bằng nghề “bo ngựa” sẽ góp một phần quan trọng trong việc phát triển du lịch ở địa phương.

langvietonline.vn