Nhiều người ví Bình Liêu như Sa Pa của vùng Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây nổi tiếng với phong cảnh miền núi, biên giới hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang, các di tích danh thắng như thác Khe Vằn, bãi “Đá thần” ở đỉnh núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm... Bình Liêu còn có nhiều phong tục tập quán đặc sắc của dân tộc người Dao, Tày, Sán Chỉ. Bình Liêu đang từng bước khai thác thế mạnh này để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc đáo, thu hút du khách.
Theo bà Hoàng Thị Nghị, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, 2 năm gần đây du lịch Bình Liêu có nhiều khởi sắc. 5 tháng đầu năm nay, huyện đón khoảng 7.000 lượt du khách, trong đó 600 khách lưu trú. Các điểm du lịch được nhiều người lựa chọn là: Thác Khe Vằn (xã Húc Động), đình Lục Nà (xã Lục Hồn), cửa khẩu Hoành Mô (xã Hoành Mô); đường biên giới, bản Sông Moóc (xã Đồng Văn)… Du lịch đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảo tồn văn hóa các dân tộc, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Xác định du lịch là khâu đột phá, hướng đi mới, thời gian qua cùng với tuyên truyền vận động các hộ dân sống gần các điểm di tích, điểm tham quan giữ gìn, phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa, tạo môi trường du lịch thân thiện với du khách, Bình Liêu chú trọng đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch. Huyện đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ trình tỉnh công nhận 3 tuyến và 8 điểm du lịch: Thác Khe Vằn; đình Lục Nà; cửa khẩu Hoành Mô và cột mốc biên giới 1317; chợ trung tâm huyện; chợ Đồng Văn; bản, thác Khe Tiền; bản Sông Moóc; núi Cao Ba Lanh. Khi các tuyến, điểm này được công nhận, đưa vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn, nghỉ… đáp ứng nhu cầu khách tham quan. Hiện huyện cũng đang hoàn thiện Quy hoạch phát triển du lịch Bình Liêu đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Việc quảng bá thu hút du khách đến Bình Liêu được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: Qua các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi tại các lễ hội (Carnaval Hạ Long, Hoa anh đào…), Hội chợ OCOP... Tháng 4 vừa qua, huyện đã triển khai chương trình kích cầu du lịch nội điạ với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”. Đoàn Thanh niên huyện xây dựng và bắt đầu triển khai Đề án “Phát huy vai trò của thanh niên khám phá miền biên giới hùng vĩ, tham gia thương hiệu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014 - 2017”. Thông qua các chuỗi hoạt động này, du khách đã biết và đến Bình Liêu nhiều hơn.
Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư vào du lịch, huyện đã phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức hội nghị phát triển du lịch Bình Liêu; đặc biệt, hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc với TP. Hồ Chí Minh ngày 12/6 vừa qua, đã có các đoàn du lịch, công ty lữ hành đến Bình Liêu khảo sát các điểm tham quan du lịch. Hiện Công ty TNHH MTV Du lịch Nam Phong đã mở các tour du lịch đưa khách đến khám phá Bình Liêu. Sắp tới, khi dự án phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc (xã Đồng Văn) được Công ty CP Sen Á Đông đầu tư, sẽ mở thêm cơ hội để Bình Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương.
Ông Trần Nhuận Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Nam Phong, chia sẻ: Để khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh du lịch, huyện cần quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch và dịch vụ; tập trung khai thác thị trường khách du lịch trong tỉnh và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng… Song song với đó, cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi các hãng lữ hành du lịch đầu tư vào địa bàn. Nếu làm được điều đó chắc chắn trong vài năm tới du lịch Bình Liêu sẽ trở thành điểm đến không chỉ với du khách nội địa mà cả khách quốc tế.