Tam Kỳ (Quảng Nam) khai phóng tiềm năng du lịch
Cập nhật: 08/07/2015
Sở hữu nhiều tài nguyên du lịch phong phú trên bản đồ du lịch Quảng Nam, nhưng cái tên Tam Kỳ lại vẫn còn “xa lạ” đối với nhiều người. Vì vậy, TP. Tam Kỳ đang rất nỗ lực khai thác hiệu quả tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
 

Nỗ lực đầu tư, quảng bá

Xác định hiệu quả kinh tế - xã hội đem lại từ du lịch, thời gian qua, TP. Tam Kỳ đã quan tâm đầu tư cho ngành công nghiệp không khói này. Thành phố đã triển khai công tác quy hoạch một số dự án để phát triển du lịch, trong đó hoàn chỉnh quy hoạch bãi tắm Tam Thanh, lập quy hoạch chi tiết địa đạo Kỳ Anh, khu di tích Núi Chùa Quảng Phú, công viên văn hóa ven sông Tam Kỳ (phường An Sơn), khu du lịch văn hóa An Hà. Về hạ tầng du lịch, đã tập trung triển khai dự án khu du lịch sinh thái và bãi tắm Hạ Thanh, xây dựng cầu và đường xuống bãi tắm Hạ Thanh, hoàn chỉnh việc trùng tu tôn tạo di tích quốc gia Văn thánh Khổng miếu, tuyến đường ĐT 615 đến đình làng Thạch Tân, địa đạo Kỳ Anh đang hoàn thiện. Nhiều di tích văn hóa lịch sử khác cũng được đầu tư trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp. Tam Kỳ cũng đã xúc tiến và thu hút được một số dự án đầu tư lớn, đáng chú ý như khu tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ tại 101 Huỳnh Thúc Kháng của Công ty CP tập đoàn Mường Thanh; khu nhà nghỉ Tam Thanh của Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An; khu nhà hàng, khách sạn Hạ Thanh của Công ty CP Thương mại và dịch vụ Biển Vàng. Ngoài ra, đang hoàn thiện thủ tục cho Công ty CP Tài chính và phát triển doanh nghiệp thuộc Gami Group nghiên cứu quy hoạch chi tiết và đầu tư dự án du lịch biển Tỉ̃nh Thủy.

Song song với quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch của địa phương. Để từng bước xây dựng sản phẩm du lịch biển Tam Thanh, từ năm 2013 TP. Tam Kỳ đã tổ chức “Ngày hội du lịch biển Tam Thanh” hưởng ứng Festival di sản Quảng Nam khá ấn tượng. Tiếp nối thành công đó, năm 2014 Tam Kỳ tiếp tục tổ chức “Tuần du lịch biển Tam Thanh” với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch sôi nổi, thu hút khá đông người tham gia. Qua các hoạt động này, du lịch Tam Kỳ nói riêng, hình ảnh vùng đất và con người Tam Kỳ nói chung, đã được quảng bá với du khách gần xa. Ngoài ra, thời gian qua thành phố còn xây dựng phương án tổ chức tuyến tham quan, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn Tam Kỳ và Phú Ninh. Đơn cử như đầu tháng 3/2015, tour du lịch đầu tiên kết nối các điểm du lịch trên địa bàn Tam Kỳ và khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh được khai trương là tín hiệu mới cho xu hướng phát triển du lịch kết nối trong và ngoài địa bàn Tam Kỳ.

Chưa xứng tiềm năng

Bên cạnh các di tích lịch sử, văn hóa như địa đạo Kỳ Anh, Văn thánh Khổng miếu, TP. Tam Kỳ còn được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên du lịch phong phú như hệ thống sông, đầm đến nay vẫn còn giữ nét đẹp hoang sơ gồm hồ Sông Đầm, sông Bàn Thạch, sông Trường Giang, sông Tam Kỳ hay bãi biển Tam Thanh thơ mộng dài hơn 7km. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố còn có Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là những điều kiện thuận lợi để đô thị tỉnh lỵ xây dựng những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến nay, sự phát triển của du lịch Tam Kỳ vẫn chưa xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa có những sản phẩm du lịch thu hút khách tham quan. Bởi vậy, du lịch Tam Kỳ mới chỉ có một vị trí khá khiêm tốn trên bản đồ du lịch Quảng Nam. Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ, hạn chế cơ bản của du lịch Tam Kỳ là môi trường đầu tư chưa thu hút được các dự án tiềm năng, việc đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư vào các khu, điểm du lịch còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Cạnh đó, nguồn nhân lực còn mỏng và chưa được đào tạo cơ bản; chưa có những điểm vui chơi giải trí và lễ hội, sự kiện ấn tượng để tạo sức hấp dẫn du khách. Ông Bùi Quốc Đinh - Chủ tịch HĐND TP. Tam Kỳ chia sẻ thêm, du lịch Tam Kỳ kém phát triển còn có một nguyên nhân khách quan khác là thời gian dài vừa qua, du lịch phía nam của tỉnh, trong đó có Tam Kỳ gần như hoàn toàn bị bỏ trống, chưa được ngành du lịch tỉnh quan tâm đầu tư. “Phòng Văn hóa - thông tin chỉ có 1 biên chế du lịch. Văn thánh Khổng miếu hay địa đạo Kỳ Anh không ai hướng dẫn cũng là một cái khó” - ông Đinh dẫn chứng.

Để phát triển du lịch Tam Kỳ, ngoài nỗ lực của chính quyền thành phố, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh. Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, tỉnh cần có giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch phía nam để tạo điều kiện về chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút các dự án đầu tư nhằm phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch Quảng Nam. Đồng thời đưa vào đề án đầu tư hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh các dự án tại Tam Kỳ như dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích địa đạo Kỳ Anh gắn với làng chiến đấu xã Tam Thăng và khu du lịch sinh thái Bãi Sậy Sông Đầm, khu du lịch sinh thái và bãi tắm Hạ Thanh, công viên văn hóa, TD-TT và hạ tầng dịch vụ tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Tỉnh cũng cần nghiên cứu định hướng phát triển du lịch đường sông từ Hội An qua Duy Xuyên vào Tam Kỳ, Phú Ninh qua sông Trường Giang và sông Tam Kỳ.

Báo Quảng Nam