Điểm đến mới nổi - Đà Nẵng nỗ lực bứt phá để thu hút khách du lịch
Cập nhật: 09/07/2015
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, tổng thu từ du lịch của Đà Nẵng những năm qua tăng đáng kể, năm 2014 đạt 9.870 tỷ đồng, năm 2015 dự kiến đạt 11.800 tỷ đồng.
 

Với sự nỗ lực của toàn ngành, Đà Nẵng đã đón hơn 3,8 triệu lượt khách trong năm 2014 và dự kiến sẽ đón trên 4,43 triệu lượt du khách trong năm 2015

Bứt phá về phát triển du lịch

Từ ba đơn vị kinh doanh du lịch ban đầu với một số khách sạn có từ trước năm 1975, đến nay thành phố đã có 198 đơn vị kinh doanh lữ hành, 478 khách sạn với 17.671 phòng. Nhiều khu, điểm du lịch, cơ sở vui chơi giải trí, tuyến điểm tham quan du lịch được đầu tư xây mới thu hút hơn 20.620 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Đến nay, thành phố đã có 74 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn 8.042 triệu USD (khoảng 168.887 tỷ đồng). Sản phẩm du lịch trên địa bàn ngày càng đa dạng như Khu du lịch Bà Nà Hills, các khu vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng biển... hấp dẫn du khách.

Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, toàn ngành tiếp tục triển khai Đề án phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tiếp và phân phối khách khu vực miền Trung và Tây Nguyên, mở thêm các đường bay đến Đà Nẵng, phối hợp với các địa phương khu vực miền Trung xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao; liên kết, phối hợp xúc tiến, quảng bá và tìm kiếm thị trường khách du lịch. Thành phố cũng có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực…

Thành phố Đà Nẵng có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch như có núi non, biển cả và sông ngòi, có cảng hàng không và cảng biển quốc tế; nằm trên các trục giao thông quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát điểm của du lịch Đà Nẵng thấp và không có những tiềm năng nổi trội như một số địa phương trong cả nước. Thành phố lại nằm trong khu vực các tỉnh miền Trung có các tiềm năng tương tự (biển, sông, núi…) và nằm giữa các di sản thế giới; chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết khá khắc nghiệt khiến cho tính du lịch mùa vụ trở nên khá rõ nét…

Với quan điểm phát triển du lịch nhất quán, từ sau khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hoạt động du lịch của thành phố đã có bước tăng trưởng khá tốt và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng du khách giai đoạn 2011 - 2015 đạt 20,14%, từ hơn 2.375.000 lượt khách năm 2011 tăng lên gần 3.819.000 lượt khách năm 2014. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về tổng doanh thu từ du lịch đạt 30,65%.

Nhiều đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng đã được mở. Đến nay, thành phố có 23 đường bay, trong đó có 9 đường bay trực tiếp thường kỳ và 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến. Cùng với việc hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhiều thương hiệu quản lý du lịch nổi tiếng thế giới như Crown Plaza, Pullman, Fusion Mia, Novotel, Mercue, Hillton, Sheraton... đã có mặt tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là địa phương có sự bứt phá về phát triển du lịch trong cả nước. Điểm đến Đà Nẵng được nhiều trang mạng, tạp chí uy tín và nổi tiếng thế giới, du khách và các tổ chức du lịch quốc tế đánh giá cao.

Tạp chí du lịch trực tuyến Smart Travel Asia đã bình chọn Đà Nẵng nằm trong tốp 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á (trong hai năm 2013 - 2014), trang Trip Advisor công bố Đà Nẵng là thành phố nằm trong tốp 10 điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất thế giới năm 2015 do khách du lịch bình chọn.

Tờ New York Times bình chọn Đà Nẵng là một trong 52 điểm đến nổi bật thế giới. Trang web The Richest của Canada xếp hạng thành phố là 6 trong top 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới mà du khách nên tham quan trong năm 2015…

Những danh hiệu này đã góp phần quảng bá điểm đến Đà Nẵng đến với thế giới, khẳng định thương hiệu của du lịch thành phố đến các thị trường du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Đà Nẵng cũng cần vượt qua khó khăn nhằm phát triển bền vững hơn, thực hiện hiệu quả mục tiêu mà thành phố đã đặt ra là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Các khó khăn, thách thức mà du lịch Đà Nẵng gặp phải là tính mùa vụ do yếu tố thời tiết còn khá rõ nét; sản phẩm du lịch chưa thể hiện đặc trưng riêng; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế; thành phố chậm hình thành chính sách ưu đãi để phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm và ẩm thực tầm cỡ quốc tế...



Định hướng phát triển

Trong định hướng phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng xác định ngành du lịch thành phố cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn, tiếp tục xác lập và tạo dựng thương hiệu điểm đến Đà Nẵng đối với du khách trong nước và quốc tế.

Về thị trường khách quốc tế, Đà Nẵng tiếp tục phát triển các thị trường có thế mạnh như khu vực Đông Bắc Á, duy trì và tranh thủ xúc tiến, quảng bá thu hút thị trường khách thuyền thống khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu và mở rộng hướng tới thị trường khách ở các nước Trung Đông, Ấn Độ...

Về thị trường khách nội địa, thành phố tiếp tục phát triển mạnh nguồn khách du lịch nội địa đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.

Ngành du lịch thành phố đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút khách tại các thị trường khách quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga; tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch xúc tiến du lịch giai đoạn 2016 - 2020; đẩy mạnh truyền thông các sự kiện, du lịch Đà Nẵng trên các trang mạng du lịch, dưới nhiều hình thức; xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế đến thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và thu hút khách.

Thành phố cũng tiếp tục đầu tư, nâng cấp các sản phẩm du lịch có chất lượng cao; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện và đa dạng hóa thị trường khách du lịch nhằm tránh bị lệ thuộc vào một vài thị trường nhất định.

Theo ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thành phố tập trung thực hiện 3 vấn đề lớn: đổi mới chương trình đào tạo bồi dưỡng gắn với thực tế nhất là kỹ năng mềm và ngoại ngữ; tăng kinh phí tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về du lịch cho lao động ngành du lịch; tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu theo các thị trường; bổ sung đào tạo hướng dẫn viên tiếng Nga, Hàn, Nhật...

Đà Nẵng cũng thành lập trung tâm sát hạch chất lượng nhân lực du lịch trên địa bàn thành phố; tiếp tục đầu tư xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm, đảm bảo môi trường sạch đẹp và bền vững; đảm bảo văn minh trong kinh doanh.

Thành phố điều tra, khảo sát về chất lượng dịch vụ du lịch, lấy ý kiến du khách nhằm hoàn thiện các dịch vụ. Các doanh nghiệp chung tay xây dựng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhân rộng các mô hình, sáng kiến có sự tham gia tích cực của cộng đồng như sáng kiến các nhà vệ sinh công cộng “thoải mái như ở nhà".

Để tăng cường, thu hút khách ở một số thị trường trọng điểm mới nổi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố xây dựng và hoàn thiện chương trình quảng bá du lịch của 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tại Hàn Quốc; đồng thời, tiếp tục quảng bá danh hiệu “Đà Nẵng - điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất thế giới 2015”, tiếp tục thực hiện một số ấn phẩm quảng bá du lịch.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng trong những tháng đầu năm vẫn ổn định và có mức tăng trưởng khoảng 10%. ​Kết quả này có được là nhờ vào các đường bay mới thu hút lượng khách ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan thay thế cho lượng khách châu Âu đang sụt giảm. 

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng thành phố nên triển khai ngay việc miễn thuế VAT cho khách khi mua sắm tại Đà Nẵng hoặc nên bố trí những điểm mua sắm miễn thuế và có điểm hoàn thuế tại sân bay cho du khách để kích thích chi tiêu, tạo thuận lợi cho khách xuất nhập cảnh; hỗ trợ, ưu đãi các doanh nghiệp du lịch. Đà Nẵng cũng cần có những sản phẩm du lịch khác biệt dành riêng cho đối tượng khách quốc tế, có chiến lược quảng bá ẩm thực vùng miền ra thế giới một cách chuyên nghiệp.

Theo kết quả điều tra của Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, do Liên minh châu Âu tài trợ, mục đích chính của khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng là tham quan, nghỉ dưỡng, số đêm nghỉ bình quân của du khách đến Đà Nẵng là 6,01 đêm.

Có khoảng 79,11% khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng lần đầu tiên và hơn 60% khách có nhiều khả năng sẽ quay trở lại. Điều đó cho thấy việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sẽ góp phần thu hút du khách đến Đà Nẵng.

Vietnam+