Chuyên gia Liên bang Nga giúp bảo tồn, phục chế quần thể tháp Chăm
Cập nhật: 13/08/2015
Vừa qua, đoàn chuyên gia của Liên bang Nga đã có mặt tại Quảng Nam để công bố một số giải pháp công nghệ cao giúp bảo tồn, phục chế quần thể tháp Chăm tại Mỹ Sơn. 
 

Theo đó, những giải pháp công nghệ cao này là kết quả nghiên cứu ban đầu từ các trường Đại học và Viện nghiên cứu ở thủ đô Moscow và thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga. Năm 2014, các mẫu gạch của tháp Chăm đã được chuyển tới các phòng thí nghiệm khác nhau ở MoscowSaint Petersburg. Tại đây, các chuyên gia Nga đã sử dụng tia Rơn-ghen bằng các phương pháp khác nhau để nghiên cứu cấu trúc, thành phần của gạch Mỹ Sơn, phân tích các loại khoáng chất và tỉ lệ của chúng trong thành phần gạch và đưa ra các giải pháp công nghệ để phục hồi và bảo tồn quần thể tháp Chăm. Sau 8 tháng nghiên cứu và đưa ra phương pháp xử lý bằng hóa học đã cho ra kết quả: mẫu gạch của tháp Chăm được đánh số 10 không còn bị thấm nước như ở mẫu số 3. Những mẫu gạch đã qua xử lý bằng công nghệ cao sẽ được gắn lên đỉnh tháp E1 trong 1 năm để kiểm tra chất lượng. Trong thời gian tới, các chuyên gia đến từ Nga cũng sẽ tiếp cận các kết quả nghiên cứu trước đây về tháp Chăm từ các chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản và Italy để tiếp tục thử nghiệm những kết quả nghiên cứu từ các giải pháp công nghệ tiếp theo. 

Được biết, hồi tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với ĐH Năng lượng quốc gia Maskva tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao vào trong bảo tồn di tích Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Qua các nghiên cứu, xét nghiệm mẫu vật từ khu đền tháp Mỹ Sơn, các nhà khoa học Nga đã có những kết luận quan trọng như vật liệu xây dựng đền có thể khác nhau về nguồn gốc, đặc tính của vật nung; sự nung gạch không đồng đều; trong việc sản xuất gạch có trộn lẫn cát và các mẫu thực vật; đất sét dùng như là nguồn nguyên liệu ban đầu cho sản xuất gạch, nhưng không được sử dụng để sản xuất các yếu tố xây dựng trong nghiên cứu; sự cần thiết phải bảo vệ các bề mặt gạch từ sự thâm nhập của các sinh vật sống bên trong và sự phá hủy bên ngoài. Mỹ Sơn không chỉ là di sản của Việt Nam mà còn là di sản của toàn nhân loại, vì vậy việc nghiên cứu để bảo tồn, phục dựng quần thể này là rất quan trọng với mục tiêu chính là ngăn chặn sự tàn phá của ngoại lực vào quần thể; tìm hiểu, đề ra vật liệu để khôi phục hiện trạng ban đầu; bảo vệ di tích khỏi sự tàn phá. 

CINET