Tiếng nước chảy róc rách của dòng sông Kót vọng ra từ ngọn núi Răng Cưa, nơi phân chia giữa người Co vùng Trà Bồng (Quảng Ngãi) và người Co vùng Trà My (Quảng Nam), hòa cùng tiếng sáo ta lía du dương trong veo như nước suối, mát lành như gió đại ngàn...
|
Thiếu nữ dân tộc Co |
Chúng tôi đến nhà ông Lê Xuân Diệu (67 tuổi), dân tộc Co ở thôn 2A, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My vào một buổi sáng tháng Tám. Ông Diệu cho chúng tôi biết: Theo tiếng Co, ta lía có nghĩa là hồn làng. Là nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Co vùng Trà My nên đàn ông Co ai cũng có thể sử dụng được. Đặc biệt, khi ta lía thổi vang lên với giai điệu vui nhộn vào những ngày mùa lúa chín như xua đi những vất vả, lo toan của đời sống sản xuất vốn trông cả vào tự nhiên của dân làng. Đây còn là dịp để cổ vũ, động viên nhau hăng say lao động, sản xuất.
Ta lía của đồng bào dân tộc Co được làm từ ống nứa. Việc tạo ra một ta lía khá đơn giản. Đầu tiên người ta chọn một ống nứa già vừa ý. Chiều dài ống nứa khoảng 2,5 - 3 gang tay (50 - 60cm). Đường kính chừng bằng ngón tay cái, để rỗng hai đầu. Trên đầu ống nứa để thổi, người Co khoét 1 lỗ được bịt lại bằng sáp ong, chừa một lỗ nhỏ để thổi. Thân ống nứa được khoét 4 lỗ tạo thành các nốt nhạc để bấm. Khó nhất trong thổi ta lía là người thổi cần phải lấy hơi tốt vì khi thổi phải thổi liên tục, không được ngắt quãng. Có như thế âm thanh của ta lía mới vang lên như mang âm ba trầm bổng của núi rừng.
Được nghe những giai điệu trữ tình, tha thiết mà ông Lê Xuân Diệu thể hiện qua tiếng sáo ta lía, chúng tôi như cảm nhận được sự giao hòa giữa đất trời và vạn vật, ngân rung bay bổng khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với tộc người Co huyện Bắc Trà My, mỗi khi ta lía được thổi lên là gợi nhớ về một thuở xa xưa mà tổ tiên họ đã gắn bó với Trường Sơn. Nó là linh hồn, là sức mạnh tinh thần và bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Co.