Biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Khu di tích Kim Liên
Cập nhật: 31/08/2015
(TITC) - Bắt đầu từ tháng 9/2015, chương trình dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với chủ đề “Trình diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” sẽ được tổ chức biểu diễn miễn phí phục vụ du khách tại Khu di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Khu di tích Kim Liên

Chương trình sẽ diễn ra vào sáng thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần tại khuôn viên ngôi nhà tranh mới phục dựng của gia đình ông Vương Hoàng Mỹ - hàng xóm của gia đình Bác Hồ ở làng Kim Liên. Mỗi buổi sáng có 2 chương trình biểu diễn dân ca ví, giặm, mỗi chương trình kéo dài 30 phút, bao gồm những tiết mục dân ca ví, giặm chọn lọc, kết hợp giữa hai phong cách biểu diễn truyền thống và đương đại cùng những ca khúc mang âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ca ngợi Bác Hồ và quê hương Nam Đàn.

Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn chương trình chủ yếu đến từ Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ và các câu lạc bộ hát ví, giặm trên địa bàn huyện Nam Đàn.

Tại khu vực biểu diễn còn có quầy bán những sản phẩm lưu niệm như sách, đĩa, tranh ảnh... giới thiệu các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là loại hình nghệ thuật có sức sống lâu bền, in đậm bản sắc tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ, là di sản quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Khởi phát từ hai hình thức hát ví và hát giặm, dân ca ví, giặm được sử dụng phổ biến trong hầu hết mọi sinh hoạt thường ngày, từ ru con, dệt vải đến trồng lúa, chèo thuyền... Hát ví là hình thức ngâm vĩnh bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...), là lối hát ví von không có tiết tấu để đối đáp giữa bên nam và bên nữ. Hát giặm là thể hát nói bằng thơ ngụ ngôn (vè 5 chữ). Đây là loại hình nghệ thuật có tiết tấu rõ ràng và giàu tính tự sự, khuyên răn, giãi bày cũng có khi khôi hài, châm biếm trào lộng và trữ tình giao duyên.

Dân ca ví, giặm sử dụng nhiều từ ngữ địa phương với lối hát gần gũi, mộc mạc. Kỹ thuật hát chủ yếu được các nghệ nhân trao truyền bằng hình thức truyền khẩu, đảm bảo khi hát phải đúng tiết tấu, cao độ, trường độ, luyến láy, thể hiện được giọng hát, ngữ điệu của phương ngữ Nghệ Tĩnh.

Thanh Hải