Tối 27/10, đồng bào Khmer tại các phum sóc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hồ hởi cùng nhau tổ chức lễ hội Lôi Protip - thả đèn nước (hay thả hoa đăng).
Lễ hội Lôi Protip được tổ chức sau ngày xuất Hạ, đúng rằm tháng Chín âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm của đồng bào Khmer.
Lễ hội là sự tạ ơn của con người đối với Thần mặt đất (Preah Thorani) và Thần nước (Preah Kong Kea) sau một năm sinh hoạt, sản xuất đã làm vấy bẩn đến thiên nhiên, đất, nước, vạn vật; qua đó cầu mong sự thứ lỗi từ đấng tự nhiên, mong muốn đấng tự nhiên ban phát, phù hộ cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong tương lai.
Theo đồng bào Khmer, những chiếc đèn Protip thường được kết bằng bè chuối ghép lại với nhau thả nổi trên sông. Đồng bào thường trang trí các Protip với mô hình chính là ngôi chánh điện, rắn thần Naga, bảo tháp bên trong là các vật phẩm dâng lên Thần mặt đất và Thần nước...
Vào đêm rước hoa đăng, bà con rước chiếc Protip của mình đi vòng quanh phum, sóc để người dân cùng chiêm ngưỡng và cầu phúc báu, an lành. Để tăng thêm sự vui nhộn trong ngày rước Lôi Protip, các đội trống Sa Yăm, nhạc ngũ âm cũng được xướng theo.
Nhiều phum, sóc còn tổ chức cuộc thi trang trí đèn Lôi Protip, thu hút sự tham gia của nhiều cư dân vùng lân cận và góp phần gìn giữ nét văn hóa của lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào mình.
Sau các phần diễu quanh phum, sóc, chiếc Protip được thả trên những nhánh sông, kênh rạch trong vùng. Ngoài yếu tố tâm linh, lễ hội Lôi Protip của đồng bào Khmer còn nhằm giáo dục con người luôn sống hài hòa cùng thiên nhiên, cảm ơn sự trao tặng của thiên nhiên và biết bảo vệ thiên nhiên trong cuộc sống đời thường./.