Lào Cai xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu
Cập nhật: 30/11/2015
Để Lào Cai trở thành một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam, tương xứng với tài nguyên du lịch vốn có, thời gian qua, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch.
 

Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Lào Cai đã phát triển lĩnh vực du lịch theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm. Một số loại hình du lịch được đưa vào khai thác và có triển vọng tốt như: Tham quan, nghỉ dưỡng tại Sa Pa, Bắc Hà, Vườn Quốc gia Hoàng Liên; du lịch sinh thái gắn với chinh phục đỉnh Fansipan; du lịch văn hóa, cộng đồng  tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát; du lịch mua sắm tại thành phố Lào Cai; du lịch tâm linh, du lịch xuyên biên giới... Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch trong tỉnh, việc mở rộng liên kết với các tỉnh lân cận cũng được thúc đẩy hiệu quả. Điển hình là liên kết phát triển du lịch về nguồn với tỉnh Yên Bái và Phú Thọ; liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; hợp tác du lịch song phương Lào Cai – Lai Châu và Lào Cai – Hà Giang... Các sản phẩm du lịch có hình thức và quy mô khác nhau, từ những khu du lịch lớn, mang tính đại chúng cao (cáp treo lên đỉnh Fansipan cùng hệ thống dịch vụ đi kèm) tới các sản phẩm du lịch mang tính mạng lưới (du lịch cộng đồng) đã tạo sự lan tỏa, thu hút du khách, mang lại thu nhập cho người dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc thu hút sự tham gia của cộng đồng, phân chia quyền lợi giữa nhà đầu tư và người dân, cũng như sự hài hòa giữa phát triển du lịch với nâng cao đời sống văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các vùng để tạo các sản phẩm du lịch còn yếu, chưa phát huy được  thế mạnh và tiềm năng của mỗi địa phương. Mặc dù sản phẩm du lịch Lào Cai đã được hình thành, nhưng chưa toàn diện và độc đáo vì chuỗi cung ứng dịch vụ chưa đồng bộ, không thể hiện rõ nét thế mạnh của tài nguyên đặc trưng. Hơn nữa, Lào Cai hiện còn thiếu nhiều dịch vụ bổ sung (các khu vui chơi, giải trí) để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đặc biệt là khách du lịch nội địa nghỉ dưỡng; các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế. Một nguyên nhân nữa phải kể đến là, nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo của các doanh nghiệp khi đưa vào khai thác gặp trở ngại. Ví dụ như sản phẩm du lịch carnaval (khách tự lái xe đi theo đoàn) của Công ty Lữ hành Du lịch Quốc tế Bình Minh (thành phố Lào Cai) đã thu hút khá nhiều khách du lịch, được giới kinh doanh lữ hành du lịch đánh giá cao. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch khá hấp dẫn này đang gặp phải khó khăn, bởi cơ chế, chính sách của các quốc gia hiện chưa cởi mở trong việc đưa phương tiện cá nhân đi sâu vào nội địa.

Bà Hoàng Thị Vượng cũng nhấn mạnh: Trong phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng nhất để tạo sức cạnh tranh. Do vậy, trong dự thảo Quy hoạch phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành văn hóa - thể thao và du lịch đã xây dựng hướng phát triển với 5 dòng sản phẩm du lịch là: Tham quan - nghỉ dưỡng núi; tìm hiểu văn hóa các dân tộc; sinh thái; biên giới; tâm linh. Ngoài ra, còn có các dòng sản phẩm du lịch hỗ trợ, như tham quan di tích lịch sử; lễ hội; MICE (hội thảo, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm); nông nghiệp... Trong tương lai, đây sẽ là hình thức phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm mà Lào Cai hướng tới.

Nhằm phát triển mạnh các sản phẩm du lịch, tỉnh khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch chuyên biệt và du lịch kết hợp công vụ, nghỉ cuối tuần, lễ hội, tâm linh, biên giới, mua sắm. Đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch (cả nội địa và quốc tế), trong đó, tập trung vào các thị trường lớn, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, từng bước mở rộng ra các thành phố khác; tiếp tục khai thác ổn định thị trường khách du lịch truyền thống tại Tây Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức, Anh, Hà Lan), Úc; mở rộng các thị trường tại Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ASEAN. Khuyến khích phát triển thử nghiệm những thị trường mới như Bắc Mỹ, châu Mỹ La tinh, Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu...

Cũng theo bà Hoàng Thị Vượng, để tạo ra các sản phẩm du lịch thu hút được nhiều du khách đến Lào Cai, thời gian lưu trú lâu hơn và tiêu dùng các dịch vụ nhiều hơn, tỉnh đã có định hướng phát triển mạnh các sản phẩm du lịch. Trong đó, chú trọng về phát triển các sản phẩm du lịch tham quan - nghỉ dưỡng núi, hướng tới khách nội địa, du lịch biên giới tại khu vực cửa khẩu và du lịch văn hóa gắn với các dân tộc cho các đối tượng khách du lịch; kết hợp hiệu quả các loại hình du lịch nhằm đảm bảo định hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để tạo dựng thương hiệu từng vùng; tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cùng với đó, quan tâm phát huy các giá trị cảnh quan và văn hóa vùng miền làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng...

Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch thì nguồn lực từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch rất quan trọng, đồng thời đòi hỏi sự sáng tạo của mỗi doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm cụ thể. Đồng thời, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành du lịch trong đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, tạo cơ chế thông thoáng thúc đẩy mở rộng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xuyên quốc gia giữ vai trò quyết định.

Báo Lào Cai