(TITC) – Đây là kết quả đánh giá trong Hội nghị Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (TBMR) diễn ra vào ngày 5/12/2015 tại thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực TBMR.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Những kết quả đạt được kể từ khi Chương trình hợp tác được ký kết (18/6/2010) đến năm 2015 thể hiện trong 4 lĩnh vực: Cơ chế chính sách; Phát triển sản phẩm; Xúc tiến quảng bá và Phát triển nguồn nhân lực.
Về cơ chế chính sách xây dựng quy hoạch và thu hút đầu tư du lịch, hiện 5/8 tỉnh đã có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020. Cùng với đó, một số địa phương đã và đang xây dựng Quy hoạch Khu du lịch quốc gia, Khu du lịch quốc gia, Điểm du lịch quốc gia trình Chính phủ phê duyệt và nhiều quy hoạch chi tiết đã được các tỉnh thực hiện. Riêng về cơ chế chính sách, hiện chỉ có tỉnh Sơn La đang trình Chính phủ phê duyệt Chính sách thu hút đầu tư du lịch đặc thù cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu-Sơn La. Trong 5 năm qua, 8 tỉnh TBMR đã thu hút tổng số vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng.
Về việc hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, các tỉnh đã tăng cường hợp tác khai thác, kết nối tuyến, điểm du lịch trong khu vực. Qua đó, hình thành các sản phẩm du lịch tiêu biểu như: tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng – Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ; tuyến du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La kết nối tuyến du lịch Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu…; Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chuyên đề đặc thù của từng khu vực; xây dựng sản phẩm du lịch theo 2 tiểu vùng sông Hồng và sông Đà.
Về việc hợp tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch, 8 tỉnh trong khu vực đã xây dựng được các công cụ quảng bá hiệu quả, góp phần thu hút khách đến khu vực như: Bộ thương hiệu du lịch chung của khu vực TBMR; Ấn phẩm “Cẩm nang hướng dẫn du lịch 8 tỉnh TBMR”; Xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử 8 tỉnh TBMR http://dulichtaybac.vn
Tổ chức các hội thảo tăng cường công tác thông tin xúc tiến du lịch và liên kết quảng bá du lịch nhằm hỗ trợ xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai xúc tiến du lịch, thông tin về các chiến lược phát triển phù hợp với tình hình chung. Phối hợp tổ chức tốt Hội chợ Du lịch Tây Bắc vào năm 2014 tại Hà Giang và 2015 tại Phú Thọ. Các tỉnh trong khu vực cũng tích cực phối hợp tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ lớn như: Hội chợ VITM; ITE-HCMC; Hội chợ Thương mại – Du lịch quốc tế Việt – Trung...; tham gia các Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, 8 tỉnh còn tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu hàng lưu niệm và quà tặng du lịch đặc trưng của khu vực; tổ chức cuộc thi Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh TBMR…nhằm quảng bá về mảnh đất, con người của khu vực Tây Bắc.
Về việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực, 8 tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng và các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành…; Tổ chức các cuộc thi Hướng dẫn viên, Thuyết minh viên du lịch tại 8 tỉnh TBMR nhằm đánh giá thực trạng trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, từ đó có các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn tiến tới chuẩn hóa theo tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS).
|
Ban quản lý Dự án EU trao gói sản phẩm nghiên cứu cho các địa phương |
Đồng thời, các địa phương cũng chủ động huy động các nguồn lực phục vụ đào tạo nguồn nhân lực địa phương với hình thức đa dạng. Kết quả trong 5 năm, các địa phương đã đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghề cho trên 3.500 lượt học viên.
Nếu như năm 2010 lượng khách du lịch đến 8 tỉnh TBMR là 9.657.948 lượt, thì đến năm 2015, lượng khách này đạt 15.578.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1.187.894 lượt, khách nội địa là 14.390.106 lượt; tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2015 đạt 10,03%/năm. Doanh thu du lịch xã hội năm 2010 là 2.681 tỷ đồng, năm 2015 đạt 9.949 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 29,9%/năm.
Trong 5 năm triển khai Chương trình hợp tác, 8 tỉnh TBMR đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật và tài chính của Ban quản lý Dự án EU nhằm hỗ trợ 8 tỉnh Tây Bắc phát triển du lịch có trách nhiệm một cách bền vững, trong đó tập trung vào các vấn đề chính như: Hình thành và đưa vào hoạt động Tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần; Phát triển đối thoại công-tư, tăng cường vai trò của các Hiệp hội du lịch tỉnh; Phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm; Quảng bá điểm đến vùng; Đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực. Tại Hội nghị tổng kết, Ban quản lý Dự án EU đã trao cho các địa phương hai gói sản phẩm gồm: Phát triển sản phẩm và marketing du lịch trong khu vực hành lang tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Marketing và phát triển sản phẩm du lịch dọc quốc lộ 6 và lưu vực sông Đà.
|
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh TBMR và khẳng định cần tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình hợp tác này. Tổng cục trưởng cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu đối với Dự án Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) tại Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng. Các địa phương cần tập trung nghiên cứu và phát huy hiệu quả các sản phẩm nghiên cứu mà Dự án EU đã thực hiện. Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ các địa phương trong công tác điều chỉnh quy hoạch vùng Khu Du lịch quốc gia, Điểm Du lịch quốc gia; kết nối các doanh nghiệp du lịch để xây dựng tour, tuyến; đồng thời quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch Tây Bắc.
Hội nghị đã thống nhất sẽ tiếp tục duy trì hoạt động theo Chương trình hợp tác ký kết 8 tỉnh TBMR, thực hiện cơ chế luân phiên các tỉnh làm trưởng nhóm hợp tác; Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, kết nối tuyến du lịch các tỉnh Tây Bắc, tạo sản phẩm du lịch mới; Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch; Tăng cường hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch...
Tin, ảnh: Thanh Tâm