Thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 40km về hướng tây, Bản Đôn không chỉ nổi tiếng là nơi thuần dưỡng và săn voi rừng mà còn được biết đến như một khu du lịch sinh thái hoang dã, nhiều tiềm năng.
Con đường đất đỏ giờ đã trải nhựa phẳng lỳ sẽ đưa du khách qua những ngôi làng nhỏ nhắn của người Ê Đê, qua những đồi chè, vườn cà phê để về với Bản Đôn. Xa xa, Bản Đôn hiện ra trong một không gian núi rừng xanh ngát, những con đường trải dài dưới hàng cây cổ thụ… Đâu đó đã thấy những chú voi ngạo nghễ từng bước và còn nghe cả tiếng nước của dòng Sêrêpôk hùng vĩ, tiếng gió hú, tiếng cười rộn vui của những nhịp chân lắc lư cầu treo… Tất cả thôi thúc sự tò mò của du khách lần đầu đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên này.
Được mệnh danh là “vương quốc voi”, nên mong ước đầu tiên của nhiều du khách khi đến Bản Đôn là được du ngoạn trên lưng voi. Trước đây, voi Bản Đôn giúp người dân vận chuyện kéo gỗ, xây nhà, làm thủy lợi... Ngày nay voi lại có thêm “nghề” mới là chở khách du ngoạn. Hành trình du lịch của voi có nhiều tuyến, đi dạo dọc Bản Đôn, thăm dòng sông Sêrêpôk hay rừng quốc gia nổi tiếng… Qua những đoạn sông Sêrêpôk đang cuộn chảy, nhiều du khách e ngại, nhưng chính những bước chân vững chắc rất “chuyên nghiệp” của voi cùng với cái lắc mạnh đều đặn đã giúp xóa tan mọi nỗi sợ sệt của du khách.
|
Bên cạnh thú cưỡi voi, du khách còn được tận hưởng cảm giác mạnh khi đi trên cầu treo Bản Đôn. Cầu treo được làm bằng vật liệu tre nứa, mây có gia cố thêm móc sắt. Cầu được bắc trên cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc bên bờ sông Sêrêpôk. Nhiều du khách ngỡ ngàng với những rễ cây rừng, những dây leo vòng quanh trên đầu, trước mặt… Bản Đôn đẹp nhờ có cầu treo và dòng Sêrêpôk chảy qua, tựa như dải lụa vắt ngang, có đoạn gặp phải ghềnh đá lại bắn tung tóe tạo thành những con suối nhỏ róc rách vui tai…
Về với Bản Đôn du khách còn có thể dừng chân ghé thăm bất kỳ ngôi nhà sàn nào – nơi cuộc sống của đồng bào đang diễn ra chầm chậm, mộc mạc, bình dị. Hầu hết cánh cửa nhà sàn đều mở như luôn sẵn sàng đón bạn vào thăm. Nếu gặp duyên, bạn còn được chứng kiến cảnh sinh hoạt truyền thống với không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào nơi đây. Khi màn sương đêm vừa giăng xuống núi rừng Tây Nguyên, bà con đã đến chật nhà dài, tiếng cồng chiêng vang lên dưới ánh lửa bập bùng. Trời về khuya, đêm Tây Nguyên càng thêm lạnh, nhưng mùi thơm nồng của cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông… cùng với men rượu cần khiến khách phương xa nghe lòng mình ấm lại.