Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” ở Phú Yên
Cập nhật: 10/05/2016
Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” của người Chăm H’roi và Ba Na tỉnh Phú Yên là một trong những Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một lần được về thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân - cái nôi của loại hình nghệ thuật trình diễn này xem các nghệ nhân trình diễn, chúng tôi phần nào cảm nhận sự độc đáo của nó.

Độc đáo “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”

Như tên gọi, bộ nhạc cụ này gồm có ba chiếc cồng núm (Chêêng1), tên gọi theo mẫu hệ, thứ tự mẹ - con, gồm: Mí (mẹ), Mai (chị) và Con (con), có kích thước nhỏ dần: 53cm, 43cm, 31cm; năm chiếc chiêng (Chênh), sắp xếp tương tự, đồng thời tên gọi cao độ theo đồng bào đặt: Pồng, Pềnh, Pang, Poong, Pếnh, cũng có kích thước nhỏ dần: 37cm, 34cm, 32cm, 30cm, 28,5cm; và cặp trống đôi (Chi gưl, đường kính 27cm; chiều cao 40cm).

Trong đêm liên hoan mừng nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tất cả nhà báo chúng tôi với những bước chân còn ngại ngùng cùng hòa vào vòng xoang. Chúng tôi cùng nắm tay những chàng trai, cô gái thôn Xí Thoại nhảy theo nhịp trống, tiếng cồng, tiếng chiêng với sự vui vẻ, thích thú… Những “nghệ nhân” của thôn chào đón khách bằng những âm thanh thật trong trẻo, rộn rã như tiếng suối chảy, tiếng chim hót trong rừng thẳm. Thỉnh thoảng họ lại đồng loạt cất tiếng hú nghe rất hoang dại giữa đêm bao la. Có lẽ họ đang gọi “mời” Thần linh về tham dự lễ hội đêm nay…

Mang giá trị nhân văn sâu sắc

Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết: “Trống đôi, Cồng ba, Chiêng năm” là bộ nhạc cụ có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần, nhất là trong những sinh hoạt văn hóa và lễ hội của người dân. Ba loại nhạc cụ này hòa quyện trong âm điệu, tiết tấu và ngôn ngữ. Tiếng trống đôi phối hợp với những động tác múa nhuần nhuyễn và tinh tế của cơ thể và đôi bàn tay của người biểu diễn đã tạo nên chuỗi âm thanh với tiết tấu đầy ngẫu hứng, lúc thưa nhặt nhẹ nhàng, lúc dồn dập sôi nổi. Chiêng năm có vai trò giữ giai điệu với tiết tấu khoan nhặt, thanh thoát, ngân xa. Chức năng chủ yếu của cồng ba là giữ bè trầm tạo nên âm thanh sâu lắng và mượt mà. Âm thanh của “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” hợp lại với nhiều điệu thức khác nhau. Lúc chào mừng hay đón khách thì có tiết tấu nhanh, vui tươi, rộng ràng. Bước vào cuộc giao lưu giai điệu lại lắng lại, nhịp điệu trở về khoan thai, tình cảm. Khi tiễn khách, âm điệu êm ái, thiết tha như muốn níu chân người…

Không chỉ có vậy, trong các nghi lễ truyền thống, âm thanh của “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” còn mang những giá trị nhân văn sâu sắc. Biết chơi bộ nhạc cụ này từ khi mới 15 tuổi và giờ đây đã ở cái tuổi 80, già làng La Chí Thái hiểu rất rõ từng giai điệu, ý nghĩa của các bài nhạc. Già nói: Trước ông cha tôi biểu diễn nhạc cụ này như thế nào thì nay vẫn giữ nguyên như thế. Dàn nhạc cụ này gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân ở thôn Xí Thoại từ bao đời. Nó không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội của người dân trong làng. Trong lễ cầu hôn, nó như là lời nhắc nhở đôi trai gái phải yêu thương nhau, thủy chung. Khi làng có người qua đời tiếng cồng, chiêng buồn bã, nỉ non như chia sẻ với nỗi buồn của gia đình và tiễn biệt người đã mất trong tình cảm luyến tiếc…

Một đêm trải nghiệm là quả chưa đủ để cảm nhận hết những nét độc đáo của nghệ thuật thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”. Hẹn những ngày hội tiếp theo chúng tôi lại về Xí Thoại theo tiếng gọi của cồng, chiêng như lời thơ của nhà nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ Kpă Y Lăng: “Tiếng chiêng Xí Thoại/ Chiêng gọi mưa, mưa rơi tràn trề/ Chiêng gọi gió, gió hát đam mê/ Gọi trăng, trăng gọi anh về cùng em…”.

langvietonline.vn