Ngày xuân trảy hội Đền Cuông, tưởng nhớ Thục An Dương Vương
Cập nhật: 21/02/2007
Đền Cuông tọa lạc trên núi Mộ Dạ thuộc xã Diễn An- huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đền có 3 toà: thượng, trung, hạ điện, xung quanh có tường bao bọc, có nhiều cây cổ thụ um tùm, xanh tốt, trông rất cổ kính và linh thiêng.

Đền Cuông được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một công trình kiến trúc đẹp, vững chắc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên ở xử sở miền Trung có nhiều mưa to, bão lớn.

Theo những người già trong làng kể lại thì, núi Mộ Dạ xưa có nhiều chim công sinh sống, thế núi Mộ Dạ đứng xa trông giống hình con công (hoặc con hạc) khổng lồ đang múa, đuôi xoè ra đến làng La Vân, hai cánh dang rộng tới những dãy núi lúp xúp, đầu công chính là nơi ngôi đền thờ vua Thục toạ lạc. Vì thế nhân dân gọi là đền Công, tiếng địa phương là đền Cuông.

Trên sườn núi Mộ Dạ hiện nay có một rừng thông bạt ngàn. Sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm rì rào sóng vỗ. Dưới chân núi phía Bắc là bãi biển Cửa Hiền bằng phẳng, làm bãi tắm khá tốt. Trên bãi biển nhô lên hàng vạn hòn đá có hình thù giống như con cá biển gọi là bãi đá Ngư Hải. Ở đây, có một phiến đá to cao, bằng phẳng. Tương truyền những ngày đẹp trời, Thục An Dương Vương dạo chơi và đánh cờ với tiên trên hòn đá này, nên gọi là hòn đá bàn cờ. Khi bình minh thức dậy cả bãi đá ánh lên vạn màu sắc rực rỡ. Nửa chiều, bóng núi Mộ Dạ đổ xuống che mát hết cả bãi đá thì nhiệt độ ở đây hạ xuống, khí hậu mát mẻ dễ chịu, mát mẻ. Điều đặc biệt ở đây là khu vực duy nhất trên đất Nghệ An không có gió Tây Nam nóng bỏng về mùa hè. Những lúc đẹp trời đứng trên núi Mộ Dạ phóng tầm mắt ra bốn phía, ta mới thấy hết được những điều kỳ thú của một vùng non nước hữu tình, cứ ngỡ đây là nơi gặp gỡ của núi và biển, của lịch sử và tình yêu.

Về với đền Cuông du khách còn được nghe kể về một huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta được nhân dân lưu giữ từ nhiều đời nay. Chuyện kể rằng, cuối đời Hùng Vương thứ 18, nước Văn Lang đứng trước hoạ xâm lăng cực kỳ nguy hiểm của đế chế Tần ở phương Bắc. Trước sự sống còn của đất nước, Hùng Vương đã nhường ngôi cho Thục Phán. Thục Phán là người tuấn kiệt, đoàn kết được các tướng giỏi và nhân dân, đại phá được quân Tần. Trong lễ khải hoàn ca, Thục Phán được coi là vị anh hùng có công lớn nhất, được tôn vinh lên ngôi vua, hiệu là Thục An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước được 50 năm (từ năm 257 trước công nguyên đến năm 208 trước công nguyên). Năm 208 trước công nguyên do mất cảnh giác, bị Triệu Đà đem quân tấn công bất ngờ, Thục An Dương Vương phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía bắc chân núi Mộ Dạ, nay thuộc địa phận xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Để tưởng nhớ công ơn to lớn của Thục An Dương Vương, nhân dân vùng Diễn Châu đã lập miếu thờ ở Cửa Hiền nơi khi An Dương Vương cùng đường, được thần Kim Quy đã hiện lên rẽ nước đưa Ngài về cõi vĩnh hằng. Ở đó còn có ngôi mộ của nàng công chúa Mỵ Châu. Theo truyền thuyết, tuy đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, có những đốm lửa lập loè trên sườn núi Mộ Dạ. Nhiều người nghĩa rằng đó chính là linh hồn của vua Thục muốn yên ngự trên sườn núi nên nhân dân đã lập đền thờ và rước linh hồn Ngài về đó để thờ phụng. Đền thờ Thục An Dương Vương trên núi Mộ Dạ có từ đó.

Niên đại khởi dựng đền Cuông đến nay vẫn chưa xác định được chính xác. Danh sĩ thời Lê, Phạm Đình Hồ (1768 - 1839) trong tác phẩm "Vũ trung tuỳ bút" đã viết: "Nhân việc nhà tôi đi qua đền Cuông, đứng trên đầu hạc nhìn xuống, đền thờ Thục An Dương Vương nằm trên sườn núi, nhìn thấy cổ hạc xanh rì, đàn công múa rất đẹp, qua trung điện xuống hạ điện, mái lợp tranh qua ba cấp là xuống núi".

Năm 1802, Gia Long lên ngôi cho tu sửa lại đền. Đến năm Giáp Tý (1864) vua Tự Đức lại cho tu sửa và nâng cấp. Khi làm lễ khánh thành nhà vua đã tặng một đồng tiền vàng để làm lưu niệm.

Năm Thành Thái thứ 10 (1897) thượng điện được nâng cấp cho phù hợp với nơi thờ vị vua chủ. Năm Khải Định thứ I (1916) phần ngoại thất được tu lý. Diện mạo ngôi đền hiện nay có từ thời ấy.

Ngày xưa triều đình quy định lễ hội đền Cuông là quốc lễ, quốc tế. Nhưng việc tổ chức lễ hội do tổng Cao Xá gồm 4 làng: Cao Ái, Cao Quan, Tập Phúc, Yên Phụ đảm nhiệm.

Lễ hội đền Cuông diễn ra bắt đầu từ 1/2 âm lịch hàng năm và kéo dài suốt mùa xuân. Nhưng ngày chính lễ là 14 và 15/2 âm lịch. Chiều ngày 14/2 âm lịch có lễ yết cáo ở đền. Ngày 15 có lễ rước kiệu thần từ đền Cuông về đình làng Cao ái để vua Thục xem hội, hưởng lễ vật và ban phúc lành cho dân, rồi lại rước kiệu thần về đền. Từ các đình làng khác nhau trong tổng Cao Xá nhân dân cũng rước thành hoàng của làng mình về đền Cuông để dự lễ hội.

Trong thời gian lễ hội, ban ngày có các trò chơi truyền thống như đánh đu, đấu vật, chọi gà, cờ người... ban đêm có hát ca trù, tuồng, chèo, đốt pháo bông đèn hoa, không khí lễ hội thật là hấp dẫn, tưng bừng, náo nhiệt. Hàng năm lễ hội đền Cuông thu hút đông đảo nhân dân và du khách bốn phương về trảy hội.
VOV