Chùa Đồng mới trên đất Phật Yên Tử
Cập nhật: 31/01/2007
Chùa Đồng được đúc mới hoàn toàn bằng đồng, có diện tích gần 20m², chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m, toạ lạc trên đỉnh Yên Sơn, cao 1.068m so với mặt nước biển. Các hoa văn, họa tiết trên đầu đao, bệ mái mang đậm phong cách đời Trần.
Ngày 30/1/2007, (tức 12 tháng Chạp năm Bính Tuất), Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khánh thành chùa Đồng tại khu di tích Yên Tử, Quảng Ninh với sự có mặt của đại diện Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Ninh cùng hàng nghìn tăng ni, phật tử và khách hành hương. Đêm trước ngày khánh thành, Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành 3 nghi lễ lớn: yểm địa, bồi hoàn long mạch và hô thần nhập tượng cho chùa. Chùa Đồng được đúc mới hoàn toàn bằng đồng, có diện tích gần 20m², chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m, toạ lạc trên đỉnh Yên Sơn, cao 1.068m so với mặt nước biển, là công trình văn hoá tâm linh quan trọng trong quần thể Khu di tích Văn hoá Tâm linh Yên Tử.
Ngôi chùa được thiết kế và kế thừa kiến trúc truyền thống của chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Công trình do Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội thực hiện. Các hoa văn, họa tiết trên đầu đao, bệ mái… được trang trí tinh xảo, mang đậm phong cách đời Trần. Toàn bộ xà ngang, xà dọc đều đúc hình đầu rồng. 4 đầu chùa hình mái vẩy, trông tựa như hình bông sen đang nở vươn lên.
Ngôi chùa mới do các nghệ nhân đúc đồng ở Ý Yên, Nam Định thực hiện. Toàn bộ công trình gồm chùa, tượng Phật, chuông nặng khoảng 70 tấn được đúc bằng đồng nguyên chất nhập khẩu từ Australia, với khoảng 3.500 chi tiết, trong đó chi tiết nặng nhất là 1,4 tấn. Ngôi chùa được cấu trúc như một ngôi chùa gỗ và lắp đặt trực tiếp trên đỉnh Yên Tử. Do được đặt trên đỉnh núi cao, phải hứng chịu sự khắc nghiệt của thời tiết nên chùa Đồng đã được thiết kế đặc biệt và thi công với những phương pháp tối ưu nhất. Các hạng mục công trình khác như bậc đá lên xuống, lan can, sân hành lễ, lầu hóa vàng cũng được tôn tạo và mở rộng.
Nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Yên Tử (xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), Chùa Đồng, được khởi dựng vào thời Lê (1428-1527) với tên gọi Thiên Trúc Tự. Tuy là ngôi chùa nhỏ nhất nhưng lại nằm ở vị trí cao nhất trong quần thể chùa, am, tháp của khu di tích thắng cảnh Yên Tử nên được nhiều người chú ý.
Chùa Đồng mới nằm đúng tại vị trí hiện nay của hai ngôi chùa cũ. Tổng kinh phí xây dựng mới chùa Đồng có trị giá hơn 20 tỉ đồng từ đóng góp của các tập thể và phật tử trong và ngoài nước. Đặt được ngôi chùa Đồng lớn nhất trên đỉnh núi cao nhất tại Yên Tử là ước muốn của nhiều năng ni, Phật tử và du khách thập phương. Đến nay nhờ có các phương tiện kỹ thuật hiện đại, việc vận chuyển các loại vật liệu đồng, sắt thép, xi măng, máy phát điện và nước lên tận đỉnh núi cao mới có thể thực hiện để thi công xây dựng chùa Đồng.
Khu di tích và danh thắng Yên Tử là nơi vua Trần Nhân Tông (giữa thế kỷ 13) đến tu hành sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm, môn phái Phật giáo mang đặc trưng tinh thần phụng đạo yêu nước của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều tăng ni phật tử, chùa Đồng mới sẽ là đệ nhất kỳ quan của Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 21.
Đến nay, cơ sở hạ tầng và nhiều hạng mục công trình đã được tu tạo, xây dựng mới tại đây. Phát biểu tại buổi lễ khởi công trùng tu tôn tạo Chùa Đồng, Đại Đức Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, Trụ trì chùa Hoa Yên cho biết khu di tích và danh thắng Yên Tử đã được đầu tư trên 116 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo nhiều công trình, dự án đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn, thuận lợi cho du khách về thăm Yên Tử.
Đường cáp treo hiện đại từ chân núi Yên Tử đến Tháp Tổ-chùa Hoa Yên (dài hơn 1.000m), hàng ngày vận chuyển hàng trăm lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan chùa Hoa Yên và đi bộ thăm chùa Đồng. Dự án làm tuyến cáp treo thứ hai tại Yên Tử, từ chùa Hoa Viên đến chùa Đồng, cũng đang được Ban quản lý di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử xin phép UBND tỉnh Quảng Ninh cho triển khai trong năm 2007. Nếu đường cáp thứ 2 này hoàn thành xong sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều du khách đến nơi này tham quan, lễ chùa, tưởng nhớ ông cha.
VOV
|
|
|