Tại buổi làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng về hoạt động 6 tháng cuối năm vào chiều 25/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có bản sắc riêng của Đà Nẵng trong các gói sản phẩm du lịch, có sự khác biệt hoàn toàn với các tỉnh, thành phố khác... “Phải làm sao để khách du lịch đến Đà Nẵng khi ra về phải tiêu đến những đồng tiền cuối cùng”, Phó Chủ tịch nói.
|
Các đơn vị lữ hành Đức tham gia xúc tiến du lịch tại Đà Nẵng. Ảnh: Thu Hà |
Thành lập tổ phản ứng nhanh
Báo cáo của Sở Du lịch tại buổi làm việc cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 2,47 triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu du lịch ước đạt 7.177 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Sở Du lịch đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, xử phạt và phối hợp với các ngành xử phạt trong lĩnh vực du lịch với tổng số tiền 513,4 triệu đồng. Sở đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử phạt và phối hợp các ngành xử phạt tổng số tiền 406 triệu đồng với một số hành vi như người nước ngoài hoạt động lữ hành hướng dẫn du lịch trái phép tại Đà Nẵng; xử phạt 11 đơn vị lữ hành trong nước hoạt động sai quy định, tước giấy phép lữ hành quốc tế 24 tháng đối với Công ty Landscape và Công ty Nature Love vì cho người Trung Quốc mượn tư cách pháp nhân và giấy phép lữ hành để hoạt động lữ hành...
Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch, mỗi năm Đà Nẵng đón từ 4 - 5 triệu khách, gấp 4 lần dân số Đà Nẵng, khi lượng khách đông lên thì có rất nhiều vấn đề liên quan. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, các hoạt động liên quan đến nhiều ngành nhưng lại không có quyền hạn để xử lý các tình huống xảy ra. Để bảo đảm an toàn cho khách du lịch và tăng cường trách nhiệm giải quyết triệt để các đối tượng hàng rong, chèo kéo, quản lý môi trường du lịch, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết..., việc thành lập Cảnh sát du lịch là cần thiết.
Trước mắt, Sở Du lịch đề nghị thành lập tổ phản ứng nhanh do Phó Giám đốc Sở làm tổ trưởng, tổ phó là Công an thành phố, Thanh tra Sở Du lịch; các thành viên là Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, Sở Giao thông vận tải... Tổ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; đồng thời đề xuất UBND thành phố giao Công an thành phố, Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, xử lý nghiêm người nước ngoài nhập cảnh hoạt động sai mục đích hoặc lưu trú quá thời hạn visa cho phép nhằm ngăn chặn các hiện tượng vi phạm hoạt động du lịch...; đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch khu mua sắm ẩm thực, vui chơi giải trí tập trung quy mô lớn tại vệt phía tây đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; quy hoạch khu vui chơi giải trí về đêm, quy hoạch phố đi bộ, chợ đêm... Sớm triển khai quy hoạch cảnh quan dọc bờ biển phía đường Võ Nguyên Giáp theo hướng hình thành khu vực có cảnh quan kiến trúc đẹp, hiện đại, với các tiện ích công cộng; quy hoạch các điểm để hình thành khu trưng bày làng nghề ven biển...
Doanh nghiệp làm xúc tiến du lịch thì mới hiệu quả
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đánh giá: Thời gian qua, Sở Du lịch đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế, nhiều đoàn xúc tiến du lịch, tích cực chống chèo kéo, hỗ trợ du khách, xây dựng bộ quy tắc ứng xử hỗ trợ người dân; lượng khách đến Đà Nẵng đông...
Tuy nhiên, sự cố cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, sự cố chìm tàu Thảo Vân 2, người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép tại Đà Nẵng... đã làm ảnh hưởng môi trường du lịch chung của thành phố. Việc không lường trước sự tăng trưởng nóng của một số thị trường khách như Trung Quốc, Hàn Quốc, không có dự báo nên không chủ động đón nguồn khách này khiến du lịch thành phố lúng túng và bị động.
Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: Dù rất cố gắng trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhưng thực tế hoạt động này chưa mang lại hiệu quả cao. Do đó, phải phân loại được lượng khách tăng trưởng thuộc những thị trường nào. Dù tăng trưởng du lịch hàng năm cao nhưng môi trường du lịch đã thực sự bảo đảm hay chưa? Phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, hướng đến nguồn khách cao cấp thay vì hướng đến khách bình dân. Phải chống được gian lận thương mại, làm sạch môi trường du lịch, bảo đảm chất lượng cơ sở ăn uống vệ sinh, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh... Điều quan trọng nhất là phải có bản sắc riêng của Đà Nẵng trong các gói sản phẩm du lịch, có sự khác biệt hoàn toàn với các tỉnh, thành phố khác... Phải làm sao để khách du lịch đến Đà Nẵng khi ra về phải tiêu đến những đồng tiền cuối cùng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố thống nhất thành lập tổ phản ứng nhanh; đồng thời đề nghị kiểm tra, rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, nếu cần thiết thì thuê chuyên gia nước ngoài làm tư vấn. Tiếp tục thực hiện chủ chương “Năm văn hóa, văn minh đô thị”; quản lý tốt các điểm đến đông du khách; quản lý tốt các nhà hàng ăn uống, các điểm mua sắm; xây dựng quy trình quản lý khách từ lúc nhập cảnh đến lúc họ rời đi; nghiên cứu đồng phục cho đội ngũ hướng dẫn viên; tập trung xây dựng các cảng hàng không, cảng biển, sớm làm các bến mềm của du lịch đường sông...
Phó Chủ tịch cũng cho rằng chỉ có doanh nghiệp làm xúc tiến du lịch thì mới hiệu quả vì họ xác định được thị trường nào là thị trường quan trọng. Vì vậy, nên nghiên cứu tạm thời thành lập quỹ xúc tiến du lịch, xây dựng các gói sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng.