(TITC) - Song hành cùng Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến, hai ngôi chùa Vạn Niên và Tảo Sách được xem là những danh lam cổ tự của Thủ đô, thu hút đông đảo người dân và du khách đến vãn cảnh, chiêm bái, cầu an.
Nằm ở bờ phía tây hồ Tây, chùa Vạn Niên (364 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) tọa lạc trong không gian xanh mát, khoáng đạt với những hàng cây cổ thụ. Chùa được xây dựng năm Thuận Thiên thứ ba (1011), sau khi Vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử với bao thăng trầm và biến cố, chùa Vạn Niên hiện nay mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn với kết cấu hình chữ Đinh, gồm các hạng mục chính: tam quan, tiền đường, chính điện, nhà Mẫu, nhà Tổ...
Chính điện chùa Vạn Niên (Nguồn ảnh: tinhtam.vn)
Chính điện chùa đặt nhiều tượng Phật, nổi bật là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc Myanmar quý hiếm, cao 1,3m, nặng 600kg. Trên nóc chùa có 3 chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự” với ý nghĩa trường tồn cùng thời gian. Nằm sau chính điện là nhà Mẫu thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Chùa Vạn Niên hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như bộ 46 pho tượng, trong đó có 26 pho tượng Phật, 20 pho tượng Mẫu và Tổ; 11 đạo sắc phong thời Lê và Tây Sơn; hai quả chuông đồng thời Nguyễn và nhiều đồ thờ khác. Đáng chú ý là trên quả chuông đồng “Vạn Niên tự chung” được đúc dưới thời Vua Gia Long (1802 - 1820) có bài kí miêu tả chùa Vạn Niên là một danh lam cổ tự có quy mô bề thế ở phía tây kinh thành Thăng Long.
Năm 1996, chùa Vạn Niên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích nghệ thuật cấp quốc gia.
Từ chùa Vạn Niên rẽ phải khoảng vài trăm mét, du khách sẽ đến chùa Tảo Sách (386 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ), ngôi chùa còn giữ được vẻ đẹp cổ kính ở Hà Nội.
Khuôn viên chùa Tảo Sách (ảnh: Huy Hoàng)
Chùa được dựng vào thời Lê (thế kỷ 15) trên nền một ngôi nhà do Hoàng tử Uy Linh Lang (con trai thứ 7 của Vua Trần Thánh Tông) cho xây dựng để làm nơi đọc sách, ngâm vịnh thi phú. Vì vậy, chùa có tên là Tảo Sách, nghĩa là đọc sách dưới ánh ban mai.
Kiến trúc chùa bao gồm các hạng mục chính như: tam quan, tiền đường, chính điện, đài kỷ niệm, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà khách... Trong đó, tòa tiền đường có 4 cột vuông đá xanh đỡ mái hiên, chạm khắc đề tài tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”. Chân cột tạo kiểu tứ diện, khắc hình hoa sen.
Chính điện chùa bài trí nhiều tượng Phật như A Di Đà Tam tôn, Tam thế Phật, Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm tọa sơn, Quan Âm tống tử. Nhà Mẫu thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Ngũ vị Tôn ông.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại chùa Tảo Sách (ảnh: Huy Hoàng)
Bộ sưu tập di vật mang giá trị lịch sử nghệ thuật thuộc thế kỷ 18 – 19 còn bảo tồn tại chùa bao gồm hệ thống 29 bia đá, 2 quả chuông đồng, 42 câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm cùng 23 bức đại tự. Bên cạnh đó còn có khá nhiều loại tế khí như: bát nhang sứ men trắng vẽ lam, hoành phi kiểu cuốn thư trang trí rồng chầu và tứ quý, cửa võng, khám thờ, ngai thờ sơn son thếp vàng.
Năm 1993, chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Với vẻ đẹp thanh tịnh giữa không gian thiên nhiên trong lành, thoáng mát của hồ Tây, hai ngôi chùa Vạn Niên và Tảo Sách đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Thủ đô và du khách thập phương. Để đến được hai ngôi chùa này, du khách có thể tham gia tour Du lịch văn hóa lịch sử hồ Tây bằng ô tô điện do Công ty Cổ phần TLC Hồ Tây khai thác.
Phạm Phương – Thanh Hải