Cầm máy lâu năm, đi đó đây nhiều, biết không ít chỗ đẹp, nơi chốn hay ho thú vị, nhưng miền Tây luôn có sức hút đặc biệt đối với tôi. “Miền Tây của tôi” cảnh sắc thanh bình, hiền hòa, sinh hoạt đời sống thú vị, nhiều món ngon đặc sắc, người dân chân chất, đôn hậu... mà cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long) là một “đại diện” đẹp, điển hình.
Ngao du xuồng máy thăm cù lao 4 xã
Từ bến tàu trung tâm TP. Vĩnh Long, bạn có thể đi xe máy (qua phà) sang cù lao An Bình nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Phà tấp bến, du khách có thể đi một vòng xe máy qua bốn xã thuộc cù lao theo con đường trải bê-tông dọc bờ sông. Nhưng thú vị hơn nhiều nếu ngao du bằng tàu hay xuồng máy.
Tàu rẽ sóng trên sông Tiền lộng gió, lướt qua những giề lục bình ken đặc nơi ngã ba sông, len lỏi theo những kênh rạch đôi bờ là những rặng bần la đà mặt nước, những vườn cây đang mùa ra hoa kết trái hoặc rộ thu hoạch. Hoa bần trắng xanh, trái bần dùng nấu canh chua hay làm gỏi rất ngon. Mùa nào thức ấy, chôm chôm đỏ vườn, nhãn xuồng cơm vàng oằn cành, xoài, ổi, đu đủ… thu hoạch gần như quanh năm. Giờ đây, nông dân cù lao canh, thúc cây ra hoa, kết trái lệch thời gian để không đụng hàng, thu hoạch trái mùa bán giá cao hơn, tránh được mùa bội thu thì trái cây rớt giá. Nhà vườn cũng không mấy thiết tha bán trái cây cho thương lái thường mua trọn cả vườn như trước đây, mà dành bán cho khách du lịch, giá gấp đôi, gấp ba lại không phải vất vả thu hoạch hay bị ép giá. Dân lái tàu du lịch ai cũng biết vườn nào ở cù lao An Bình mới mở cho khách vào, vườn nào gần hết trái để đưa khách đến. Các vườn (dâu, chôm chôm, nhãn, ổi…) thường thu “50.000đồng/khách, bao bụng không bao mang về". Khách có thể thoải mái bẻ trái cây ăn bao nhiêu tùy thích, mua mang về thì cân, trả tiền.
Tôi thường đưa bạn bè ghé những nhà vườn quen, nơi bọn trẻ được tự do chạy nhảy, câu cá, hái trái cây. Vườn ở cù lao rộng, nhà nào cũng có vườn rộng vài công đến vài mẫu. Trong vườn có hệ thống mương tưới tiêu lấy nước từ kênh lớn, được tận dụng nuôi cá tai tượng, con nào con nấy hai, ba ký, khách đến nhà chỉ việc lấy vợt xúc cá lên chiên xù cuốn bánh tráng. Cá tai tượng ở đây mình dây, "sạch" vì không ăn gì ngoài cỏ.
Phương tiện đi lại ở cù lao là xuồng ghe, trước mỗi nhà đều có “ga-ra” cây neo một chiếc xuồng. Kênh, rạch ngang dọc như đường phố, rộn ràng tàu ghe đưa khách du lịch ra vào, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Ngày nay, cù lao An Bình rất nổi tiếng, dù được nhiều người biết đến nhưng nơi đây vẫn là làng quê thanh bình, yên tĩnh. Một vùng đất, những con người biết rõ giá trị mình là gì, ở đâu để không thay đổi.
Du lịch xanh, bình yên
Thích hơn cả, nếu bạn đến An Bình vào mùa thu hoạch chôm chôm và nhãn. Bạn có thể xin làm công để trải nghiệm thu hoạch trái cây, hay đơn giản dạo quanh vườn, nhìn những người thợ cần mẫn bẻ trái cây. Thích không kém là bạn có thể hái những trái đu đủ chín trong vườn, những chùm nhãn xuồng cơm vàng to tròn mọng nước, cắt nguyên một vườn mồng tơi xanh mởn, rau lang, dọc mùng mang về thành phố.
Vườn nhãn nhà bạn tôi trĩu trái, mỗi mùa thu hoạch vài chục tấn. Mùa trái chín, cả khu vườn thơm nức. Cũng đừng quên mua mật ong mang về. Mật từ ong nuôi nhưng không cho ăn đường, chỉ hút nhụy hoa theo mùa cây trái. Mùa này mật ong thơm hương hoa nhãn. Bạn tôi bảo, con gái cù lao thường uống, rửa mặt bằng mật ong, rơ lưỡi cũng bằng mật ong cho nên nụ hôn rất ngọt ngào.
Không gì thú vị bằng được nằm võng nghỉ ngơi, đọc sách dưới bóng mát vườn cây trái lung linh nắng. Một giấc ngủ trưa không mộng mị trong không gian yên tĩnh thoảng tiếng chim câu gù xa xôi, tiếng ve sầu ran giã từ mùa hè đang hết. Hé mắt nhìn khói than dừa cuộn lên từ góc vườn, bay lãng đãng giữa nắng lung linh nhảy nhót. Nắng nhuộm sáng lá chuối nõn xanh, khói và nắng soi qua kẽ lá hân hoan hòa quyện. Bạn cắp rổ ra vườn, cúi lượm những miếng vỏ dừa khô rồi thong thả bước qua mương nước, ngồi chụm than dừa ở góc sân dưới bóng những cây nhãn mùa ngon trái. Mùi than dừa đốt lên khác hẳn than củi thông thường, khói hương nhẹ nhàng, ấm áp, đượm nồng. Tôm, cá sông nướng thơm lựng một góc vườn. Nếu cảm mùa đốt đồng ở miền tây trong khói lam chiều, bạn khó cầm lòng trước khói lung linh vườn dừa buổi sớm mai.
Những món ngon miệt vườn được dọn trên bàn ăn dưới tán cây xanh mát. Gà vườn nấu cháo, làm gỏi xé phay trộn bắp chuối, cá tai tượng vớt dưới ao chiên xù cuốn bánh tráng, lươn um lá nhàu, ốc bươu hầm tiêu... thêm một chung rượu nếp nhà làm, ngon quên về. Ăn xong có thể làm giấc trưa ngon lành trên võng giữa không gian yên bình.
Nên đi miền Tây vào mùa nào? Mùa nào cũng có thể đi, mỗi mùa có vẻ đẹp riêng nếu chúng ta không đi du lịch theo kiểu “cưỡi tour xem hoa” mà đi chơi đúng nghĩa, lang thang, hòa nhập vào đời sống miệt vườn, sông nước để cảm nhận cái hay, cái đẹp bình dị của miền tây, thưởng thức những phút giây thảnh thơi, yên bình quý giá.