Xây dựng khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch quốc gia
Cập nhật: 30/11/2016
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, sẽ thu hút 50.000 lượt khách quốc tế và 1,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 4.200 tỷ đồng; có 6.000 buồng lưu trú du lịch; nhu cầu lao động trong du lịch 27.000 lao động (trong đó có 9.000 lao động trực tiếp).

Hồ Ba Bể

Từ năm 2020 - 2030, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu xây dựng khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch quốc gia và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với những bước phát triển bền vững, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành khác cũng như kinh tế-xã hội của tỉnh; tạo tiền đề đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh. Tỉnh cũng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí và đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; giữ gìn, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Kạn đến năm 2030, cụm du lịch Ba Bể và vùng phụ cận được ưu tiên số 1, trong đó ưu tiên phát triển du lịch vùng hồ Ba Bể với những cảnh quan hấp dẫn nh ư hang động, thác nước, đảo cùng các làng bản ven hồ gắn với nghệ thuật dân gian hát then, đàn tính, nghề thủ công và các lễ hội truyền thống; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao, du lịch mạo hiểm tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể; tạo dựng được hệ thống các sản phẩm du lịch vừa đa dạng, vừa đặc thù và có chất lượng cao; đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững.

Ông Trường cho biết thêm, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho du lịch giai đoạn 2016-2030 khoảng 9.389 tỷ đồng, trong đó, yêu cầu phải đầu tư phải đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo một cú hích cho du lịch Bắc Kạn phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành đồng thời nhiều hình thức đầu tư, thực hiện phương thức xã hội hóa, đa dạng hóa trong đầu tư phát triển du lịch; cần xây dựng và tạo dựng hình ảnh du lịch Ba Bể, khôi phục, bảo tồn và phát triển các sản phẩm văn hóa phi vật thể làm tài nguyên du lịch.

Bắc Kạn cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch giai đoạn 2016-2030 như: tập trung xây dựng khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch quốc gia; mở rộng phát triển thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao; tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường hợp tác, quảng bá và liên kết trong phát triển du lịch; phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường…

Để du lịch Bắc Kạn phát triển tương xứng với tiềm năng và trở thành một trong những nền kinh tế mũi nhọn, ngoài xây dựng một chiến lược chi tiết, với các nhóm giải pháp khả thi, cụ thể, tỉnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của ngành du lịch trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hoá… tạo đà phát triển cho ngành du lịch./.

Đức Hiếu

TTXVN