Trong mâm cỗ ngày Tết, người Sán Dìu dâng lên Tổ tiên không thể thiếu món bánh chưng gù. Món bánh truyền thống này cầu kỳ, kỹ lưỡng và kiên nhẫn như tính cách của người Sán Dìu dâng lên Tổ tiên ngày Tết với lòng thành kính và gửi gắm những tình cảm thiêng liêng nhất.
Người Sán Dìu cho rằng, bánh chưng gói càng đẹp thì càng may mắn
Cũng giống như người Kinh, người Sán Dìu chỉ ăn Tết theo lịch âm, trùng với các ngày Tết lớn của người Kinh. Việc chuẩn bị để đón chào năm mới của người Sán Dìu diễn ra rất tưng bừng và nhộn nhịp. Trong đó, bánh chưng để dâng lên Tổ tiên và dịp Tết Nguyên đán phải là bánh chưng gù. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, các cô gái Sán Dìu đã rủ nhau vào rừng lấy lá dong và những cây giang bánh tẻ về để chuẩn bị gói bánh. Mọi người trong gia đình chuẩn bị củi đun, sửa sang nhà cửa, vỗ béo một con lợn cùng với các loại gạo, đậu, đỗ…
Cầm lá, đổ gạo, thịt, đỗ, gói, các cô, các bác người Sán Dìu hoàn toàn đứng
Đặc biệt, bánh chưng được người Sán Dìu đứng để gói. Từ lúc chọn lá, lấy gạo, thịt, đỗ, buộc dây, chiếc bánh chưng gù được người Sán Dìu làm cũng chỉ từ 1-2 phút. Bánh này hình thức giống như bánh chưng của người Kinh nhưng người Sán Dìu gói kiểu dài và hình thù hơi gù. Người Sán Dìu cho rằng, ngày Tết, nhà nào gói bánh chưng càng đẹp dâng lên Tổ tiên thì năm đó gia đình càng được may mắn, hạnh phúc.
Lựa chọn, đặt lá cũng là công việc rất cẩn trọng
Những chiếc bánh gói xong được cho vào nồi bắc lên bếp lửa. Hơi nóng từ than hồng bốc lên cùng với nồi bánh, những cô gái, chàng trai vừa ngồi trông bánh vừa hát đối đáp, những lời hát giao duyên tình tứ tràn ngập hạnh phúc.
Ngày Tết, ai đi xa cũng trở về sum họp cùng gia đình, được gói bánh, chuẩn bị mâm cơm cúng Tổ tiên với lòng thành kính, hân hoan và cùng nhau thưởng thức món bánh truyền thống với vị thơm của lúa nếp, ngọt của đường mật ong, vị mát lành của tấm lòng người gói bánh.
Phạm Tiệp