Từ ngày 21/1-11/2/2017 (tức 24/12-15/1 năm Đinh Dậu) sẽ diễn ra “Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội có quy mô khoảng 50 lều dành cho 13 câu lạc bộ và một số người viết thư pháp tự do.
Hội chữ Xuân là hoạt động tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo trong dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh minh họa
Hội chữ Xuân là một sự kiện văn hóa thường niên vào dịp Tết Nguyên Đán, nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu nghĩa của tầng lớp thanh thiếu niên học sinh, sinh viên và nhân dân thủ đô. Đồng thời đáp ứng nhu cầu “xin chữ” đầu Xuân, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Hội chữ Xuân đã có 13 Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Hán – Nôm, Quốc ngữ và nhiều người viết chữ tự do tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận đăng ký tham gia. Đến nay, Ban tổ chức đã hoàn thành việc khảo hạch người viết, lựa chọn tác phẩm trưng bày với danh sách 90 người viết chữ và 30 tác phẩm thư pháp trưng bày.
Theo đó, Ban tổ chức sẽ bố trí cho các CLB và người viết tự bốc thăm xác định vị trí ngồi viết chữ. Đặc biệt, Ban tổ chức cũng dành một số vị trí cho người viết chữ trên 70 tuổi, đã tham gia giảng dạy, triển lãm thư pháp và có nhiều đóng góp cho hoạt động Thư pháp Hà Nội từ năm 2000 đến nay được các các CLB Thư pháp Hà Nội suy tôn như cụ Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu…
Điểm mới của Hội chữ Xuân 2017 là việc phân bố các lều cho chữ sẽ không ở vòng quanh Hồ Văn như năm 2016 mà sẽ tập hợp toàn bộ phía mặt trước Hồ Văn để tránh việc phân tán không đều khách xin chữ. Thêm nữa, các chất liệu làm lều sẽ được dùng đồng nhất một loại do BTC thiết kế là tre, nứa, đảm bảo dân dã, thân thiện môi trường.
Bên cạnh các hoạt động thường niên, năm nay BTC sẽ tổ chức các hoạt động như triển lãm thư pháp với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”. Triển lãm sẽ trưng bày gần 30 bức thư pháp chữ Hán – Nôm và chữ Quốc ngữ truyền tải nội dung cổ vũ tinh thần “Tôn sư trong đạo” của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội chữ, BTC còn tổ chức khu vực làng nghề truyền thống trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội như gốm sứ, thêu dệt, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng; Khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo – khám phá tranh Tết”.
Đại diện Ban tổ chức cho biết, sẽ có sự phối hợp giữa Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong suốt thời gian diễn ra Hội chữ Xuân. Đặc biệt sẽ quy định, giám sát chặt chẽ về thời gian, giá cả từng chủng loại giấy viết chữ.
Hoa Quỳnh