Chuyến thăm Cố đô Huế của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là cơ hội “có một không hai” để ngành du lịch Thừa Thiên-Huế quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, du lịch đến với người dân đất nước "Mặt trời mọc".
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến thăm Việt Nam từ 28/2-5/3; dự kiến đoàn sẽ đến thăm Cố đô Huế từ ngày 3-5/3.
Đây là lần đầu tiên Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sang thăm Việt Nam và Huế nói riêng, vì thế chuyến thăm nhận được sự quan tâm, theo dõi đặc biệt của nhân dân cả hai quốc gia.
Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, ngành du lịch xác định chuyến thăm này là cơ hội không thể tốt hơn trong việc quảng bá du lịch Huế đến với người dân Nhật Bản.
Theo ông Minh, đi cùng với đoàn của Nhà vua và Hoàng hậu có khoảng 100 phóng viên của các hãng truyền thông, thông tấn báo chí của Nhật Bản và quốc tế. “Khi Nhà vua sang thăm, giới truyền thông sẽ quay phim, chụp ảnh, làm những phóng sự… sẽ có lồng ghép những hình ảnh về Huế. Những hình ảnh này sẽ được phát trên các sóng truyền hình, báo, đài, nên sẽ có rất nhiều người dân Nhật Bản cũng như các nước khác biết về Huế. Vì thế, công tác chuẩn bị được ngành du lịch thực hiện rất kỹ lưỡng”.
Đi theo đoàn còn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản, trong đó có không ít doanh nghiệp đang kinh doanh ở lĩnh vực du lịch. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, đây là thời cơ để du lịch Huế giới thiệu tiềm năng, chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.
Những ngày đón tiếp Nhà vua và Hoàng hậu, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức không gian trưng bày và giới thiệu một số sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh ở Huế, qua đó, chứng minh cho các nhà đầu tư Nhật Bản rằng, Huế là vùng đất đầy hứa hẹn để đầu tư, nhất là lĩnh vực du lịch.
Ngành du lịch cũng tăng cường quảng bá bằng những hình ảnh trực quan, thể hiện Huế có nhiều nét tương đồng về văn hóa, cảnh quan, có bề dày lịch sử, một thành phố xanh, thiên nhiên trong lành như ở đất nước mặt trời mọc.
Để giới thiệu tới Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản cũng như đoàn công tác những nét đặc trưng của Huế, một không gian đậm chất Huế được hình thành ngay tại nơi lưu trú của đoàn. Tại đó, bên cạnh những bộ trang phục áo dài đậm chất cung đình là những gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, như làm nón, hoa giấy Thanh Tiên, làm diều, thêu… Tại các gian hàng, thành viên của đoàn có thể trực tiếp làm ra các sản phẩm với các nghệ nhân nổi tiếng của Huế.
Khu vực thứ hai là các gian hàng giới thiệu hình ảnh điểm đến du lịch Huế bằng các ấn phẩm, video trình chiếu, kết hợp giới thiệu các tour tuyến hấp dẫn ở Huế.
Tại các điểm di tích, nơi dự kiến sẽ đón Nhà vua và Hoàng hậu đến tham quan, cũng đã sẵn sàng.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết, du khách Nhật rất chuộng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng gắn với khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Tại không gian quảng bá, du lịch Huế sẽ chú trọng giới thiệu những sản phẩm đáp ứng nhu cầu này.
Đợt này, ngành du lịch cũng tổ chức triển lãm “Giao thương Nhật-Việt trong lịch sử” tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, thể hiện mối quan hệ giữa hai đất nước đã có từ lâu.