(TITC) - Đồng Văn là một huyện vùng cao biên giới của Hà Giang, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 150km về phía bắc. Đồng Văn tạo ấn tượng đặc biệt với du khách không chỉ bởi không khí trong lành, mát mẻ mà nơi đây còn sở hữu nhiều điểm du lịch độc đáo, thú vị khiến du khách đến một lần là nhớ mãi.
Một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Đồng Văn đó là cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng, ở độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng với tổng chiều cao 34,85m, có hình bát giác, 8 mặt chân cột mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kì lịch sử khác nhau của đất nước cũng như phong tục tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Lá cờ tổ quốc trên đỉnh cột cờ rộng 54m2 luôn bay phấp phới trong gió, thể hiện chủ quyền, sức mạnh của quốc gia và dân tộc Việt Nam.
Từ trên đỉnh Lũng Cú nhìn về phía tây có hai hồ nước trong xanh không bao giờ cạn, được người dân coi là “long nhãn” (mắt rồng). Xung quanh là phong cảnh núi non trùng điệp xen kẽ những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo triền núi tạo nên một vẻ đẹp hoang dã, đặc trưng của vùng Đông Bắc.
Đường vào dinh thự họ Vương
Nằm giữa thung lũng Sà Phìn, dinh thự họ Vương là khu biệt thự cổ của Vương Chính Đức, người được đồng bào nơi đây suy tôn là vua Mèo, cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Được xây dựng vào năm 1919, hoàn thành năm 1928, toàn bộ dinh thự có diện tích gần 3.000m2, bao quanh là một dải núi hình vòng cung, tạo nên địa thế phòng thủ kiên cố.
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến đây là hai hàng cây sa mộc cao vút, thẳng tắp, nằm ngay ngắn hai bên đường dẫn vào dinh thự. Lại gần hơn, chiếc cổng đá của dinh hiện lên bề thế với những đường nét chạm trổ tinh tế. Bước vào bên trong, khu dinh thự thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo, có sự ảnh hưởng của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, Pháp và dân tộc Mông Việt Nam.
Được dựng bằng đá xanh, gỗ thông, gỗ pơmu và "ngòi" đất nung, toàn bộ khu dinh thự có ba khu là tiền cung, trung cung và hậu cung, bao gồm 4 tòa nhà ngang và 6 tòa nhà dọc với tổng số 64 phòng dành cho 100 người ở. Các phòng được bố trí tựa như một thành quách thu nhỏ, rất kín đáo và vững chãi. Giữa các dãy nhà gỗ 2 tầng khép kín là một khoảng sân rộng đầy ánh sáng. Bao quanh khu nhà là vườn cây với nhiều loại cây như sa mộc, quế, đào, lê… Dinh còn có 2 lô cốt để phòng thủ, có kho cất giữ tài sản...
Một trong những nét đặc sắc của dinh thự là nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, nhiều chi tiết được chạm khắc cầu kì, khéo léo mang các biểu tượng thể hiện sự phồn vinh, hưng thịnh. Năm 1993, dinh thự họ Vương đã được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, tìm hiểu.
Nếu nói Đồng Văn là cao nguyên đá trùng điệp giữa đại ngàn thì làng văn hóa Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là chính là thung lũng bé nhỏ nằm gọn trong lòng cao nguyên đó. Nói nơi đây bé nhỏ vì cả làng chỉ có vài chục hộ dân người Mông sinh sống nhưng chính những phong tục, tập quán đặc sắc cùng với vẻ đẹp của cảnh quan và con người đã tạo cho làng văn hóa Lũng Cẩm sức hấp dẫn đặc biệt trong lòng du khách.
Đến với Lũng Cẩm, du khách có dịp tìm hiểu cuộc sống mộc mạc, đơn sơ và thôn dã của đồng bào dân tộc thiểu số với những ngôi nhà trình tường được chát bằng đất, cột nhà và kèo làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, đặc biệt là những hàng rào bằng đá vững chắc bao quanh nhà. Người dân nơi đây thường trồng ngô trên các vách đá tai mèo và trồng rau màu, cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang dưới chân núi. Đến đây, du khách cũng sẽ có dịp thưởng thức nhiều món đặc sản của đồng bào Mông với sự tiếp đón nồng hậu và chân tình.
Phố cổ Đồng Văn vào phiên chợ
Đến Đồng Văn, chắc hẳn du khách sẽ không bỏ qua cơ hội tham quan phố cổ Đồng Văn, nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Hoa. Khu phố cổ dài gần 1km nằm lọt thỏm giữa thung lũng bốn bề núi đá bao bọc với vẻn vẹn 40 nóc nhà nhỏ nằm san sát nhau. Những ngôi nhà cổ kính được hình thành cách đây gần một thế kỷ, mang những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá… Bức tranh phố cổ được thể hiện với nhiều gam màu, thay đổi theo từng cung bậc thời gian trong ngày. Buổi sáng, cảnh quan nơi đây là sự pha trộn đến tài tình bởi màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Không gian im lìm trong sương sớm được đánh thức bởi âm thanh náo nhiệt của nhịp sống sinh hoạt hàng ngày. Khi về chiều, sự yên bình cố hữu lại bao trùm khu phố cổ. Và đêm đến, trong ánh sáng lờ mờ từ những chiếc đèn dầu, đâu đó lại réo rắt âm thanh tiếng kèn môi của các chàng trai gọi bạn tình. Đặc biệt, vào các đêm 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng, thị trấn Đồng Văn tổ chức chương trình “Đêm hội phố cổ” với nhiều hoạt động thú vị như treo đèn lồng đỏ, trình diễn các bài hát dân ca, múa giao duyên, trưng bày thổ cẩm và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc.
Nếu có dịp đến phố cổ Đồng Văn vào những ngày diễn ra chợ phiên, chắc chắn du khách sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Chợ chỉ họp vào một ngày trong tuần nên lúc nào cũng đông đúc, tấp nập người qua lại. Trai gái từ khắp các bản làng xúng xính trong những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu, rủ nhau xuống chợ với niềm hân hoan và hứng khởi. Họ đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn để gặp gỡ nhau tâm sự, kết bạn, giao duyên...
Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, trữ tình cùng bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng, Đồng Văn chính là điểm nhấn ấn tượng trong hành trình khám phá mảnh đất Hà Giang.
Lam Phương