Sáng 6/8, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (thứ ba, bên trái) tham quan khu trưng bày Mộc bản triều Nguyễn.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Vĩnh Tân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng, cùng đại diện các bộ, ngành liên quan.
Sau khi tham quan các khu trưng bày, khu bảo quản tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những cố gắng và kết quả đạt được của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV trong việc bảo quản, gìn giữ và phát huy giá trị khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, di sản tư liệu thế giới.
Phó Thủ tướng hoan nghênh phương pháp, cách thức tổ chức bảo quản và phát huy giá trị tài liệu mộc bản. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản cha ông đã để lại; đồng thời có nhiều chính sách, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện các biện pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị của di sản.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo bộ, ngành và địa phương tham quan khu trưng bày Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn.
Hiện, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang bảo quản 34.619 tấm mộc bản triều Nguyễn, với 55.320 mặt khắc tài liệu mộc bản; gồm 152 đầu sách, với 1.953 quyển, trên các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa – giáo dục, tư tưởng – triết học – tôn giáo, văn thơ và ngôn ngữ - văn tự. Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước xây dựng và thực hiện đề án “Cấp cứu Châu bản, Mộc bản”. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo quản và phát huy giá trị Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới”.
Phó Thủ tướng cho rằng, Mộc bản triều Nguyễn là khối tư liệu quý hiếm, nguồn sử liệu tin cậy để khảo cứu, phục vụ công tác nghiên cứu, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc UNESCO vinh danh Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới, thể hiện sự trân trọng, ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với khối tài liệu giá trị này.
Bộ trưởng Nội vụ tặng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phiên bản tài liệu Mộc bản về việc vua Gia Long đổi Quốc hiệu Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, lập phương án đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất tương xứng, phù hợp nhằm lưu trữ an toàn và phát huy giá trị của Mộc bản triều Nguyễn; xây dựng đề án xã hội hóa, triển khai các hình thức để phát huy tốt nhất giá trị di sản.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bộ, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn tài liệu để trưng bày, tổ chức triển lãm ở nước ngoài, nhằm tuyên truyền, giới thiệu các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh; đặc biệt là Di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn.
Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước hiện có bốn trung tâm lưu trữ quốc gia, đang bảo quản hơn 30 km giá tài liệu. Trong đó có khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Tư liệu Di sản thế giới (2009); khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương (2014); tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn 1945 - 1946) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2016.
Kiểm tra tình trạng Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.
Đặc biệt, trong quá trình tra tìm tư liệu, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã tìm được 17 tấm mộc bản, với 19 mặt khắc, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bản khắc cổ nhất được tìm thấy.
Thời gian qua, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước liên tục cung cấp tài liệu Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn phục vụ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam làm bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; giải quyết các xung đột về biên giới, lãnh thổ, phục vụ việc xác định và cắm mốc biên giới phía Bắc và Tây Nam…
Mai Văn Bảo