Lễ Thướng Tiêu – Tái hiện không gian xưa
Cập nhật: 09/02/2018
Sáng ngày, 8/2/2018 (tức 23 tháng chạp năm Đinh Dậu), tại Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế  tổ chức tái hiện Lễ Thướng Tiêu (dựng cây nêu) tại Thế Tổ Miếu (Đại nội Huế), điện Long An cùng chương trình “Hương xưa bánh Tết”.

Hương án được soạn bày với các lễ phẩm cùng đoàn bồi tự và đội đại nhạc tại Thế Tổ Miếu

Tại Thế Tổ Miếu, hương án được soạn bày với các lễ phẩm cùng đoàn bồi tự và đội đại nhạc. Các nghi thức dựng Nêu lần lượt gồm lễ bái, nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh trang nghiêm của Nhã nhạc cung đình. Tiếp đó, các lính vác Nêu tiến hành dựng Nêu lên, báo hiệu ngày Tết đã đến trong hoàng cung. Nét đặc biệt của lễ dựng Nêu tại Hoàng cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc (Âm nhạc cung đình Việt Nam) và với các nghi thức rất trang trọng.

Nêu được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua phía sau điện Thái Hòa, tiến về Thế Tổ Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài nhạc lễ cung đình xưa

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ, tục dựng Nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của rất nhiều nước Á Đông. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, tục lệ này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc và tồn tại từ hàng ngàn năm nay. “Trong tiến trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế, ngoài việc bảo tồn các giá trị vật thể về các công trình kiến trúc thì việc khôi phục lễ dựng Nêu ngày Tết cũng góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất cố đô”, ông Hải cho biết thêm.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ tục dựng Nêu ngày Tết 

Khi cây Nêu được dựng lên, đầu ngọn Nêu bao giờ cũng có treo ấn tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi (từ 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng). Dưới triều Nguyễn, khi thấy trong cung dựng cây Nêu, toàn thể nhân dân theo đó đồng loạt dựng Nêu và bắt đầu đón Tết.

Dựng Nêu tại Thế Tổ Miếu báo hiệu ngày Tết đã đến trong hoàng cung

Ngay sau khi tổ chức tại Thế Tổ Miếu, Lễ  Thướng Tiêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An với các nghi tiết tương tự. Bên cạnh đó, Lễ Dựng Nêu cũng tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết.

Lễ Thướng Tiêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An với các nghi tiết tương tự

Cũng theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Lễ Thướng Tiêu là hoạt động nhằm tái hiện lại nghi lễ xưa trong cung cấm triều Nguyễn. Dưới thời Nguyễn, tục dựng Nêu được tổ chức bài bản, thường vào ngày 23 tháng Chạp như là một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ các công việc trong năm. Nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước điện Thái Hòa và các miếu trong Đại Nội. Lễ dựng Nêu trang nghiêm và phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ Lễ. Đặc biệt, cây tre dựng Nêu là loại tre đực, cao, to và khỏe. Trên ngọn Nêu treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm... nên phải cử lính canh cho đến ngày khai hạ. Ngày dựng Nêu lên, triều đình thường cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình đều được nghỉ ngơi sau một năm lao động nhọc nhằn để ăn Tết, chơi Xuân.

Hội thi nấu bánh chưng, bánh tét  trong chương trình “Hương Xưa Bánh Tết” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức 

Cũng trong sáng nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức chương trình “Hương Xưa Bánh Tết” với ý nghĩa khởi động đầu năm với những trải nghiệm về hương sắc Tết xưa. Tại đây, ngoài những sắc màu truyền thống gồm âm ca xứ Huế, các trò chơi cung đình và dân gian (xăm hường và bài vụ), trình diễn thư pháp và tặng chữ…. Còn có hội thi nấu bánh chưng, bánh tét do 7 đội thi là các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các phần bánh này sau khi nấu xong sẽ tặng cho Cơ sở Bảo trợ Trẻ em An Tây – Huế.

Rất đông quan khách tham dự chương trình "Hương xưa bánh Tết"

Lễ dựng Nêu ngày Tết tại Đại Nội Huế không chỉ là nghi lễ truyền thống tốt đẹp trong tâm thức của người Việt nói chung và trong văn hóa Huế nói riêng mà qua đó còn gìn giữ nét đẹp ngày Tết Cổ truyền của dân tộc, khi phong tục dựng cây Nêu ngày Tết dần mất đi trong cộng đồng người Việt thời hiện đại.

Hoàng Dương

baocongthuong.com.vn