(TITC) - Trong khuôn khổ Festival Huế năm 2018, từ ngày 25 - 29/4/2018, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ diễn ra Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc nhằm giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế về giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên thuộc các tỉnh, thành phố có loại hình hát Văn, hát Chầu văn trên cả nước, Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018 là hoạt động văn hóa góp phần tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, hát Chầu văn, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn những giá trị nghệ thuật của loại hình này trong “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đó, những tiết mục được trình diễn tại Liên hoan sẽ có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, con người và truyền thống đấu tranh bảo vệ và xây dựng tổ quốc; ca ngợi những thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Hát Chầu văn (còn được gọi là hát văn, hát bóng…) là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, do cung văn thể hiện, có sự hỗ trợ của dàn nhạc hầu đồng.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ 16 cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm như: phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định)..., sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước.
Hát Chầu văn trong lễ hầu đồng tích hợp các hình thức văn hoá dân gian khác nhau như: âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công truyền thống, trang phục cùng với nghệ thuật trang trí, kiến trúc, ẩm thực... trong một thể thống nhất hoàn chỉnh. Vì vậy, nghi lễ này có sức hấp dẫn đặc biệt đối với mọi người, nhất là những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.
Việc tổ chức liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc tại Festival Huế 2018 cho thấy quyết tâm thực hiện đúng các cam kết của Việt Nam với UNESCO trong việc giới thiệu, quảng bá di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thuộc chương trình hành động quốc gia về giữ gìn và bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu.
Lam Phương