Du lịch Hà Nội: Cất cánh sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính
Cập nhật: 30/07/2018
Sau 10 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ban hành ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, cùng với các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác, du lịch Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc, thể hiện vai trò là ngành kinh tế xanh khi mà khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng gấp 4 lần. 

Khách tham quan tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Khách quốc tế đến Hà Nội tăng gấp 4 lần

Việc mở rộng địa giới hành chính đã góp phần tạo cho Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch lớn hơn, sản phẩm tour, tuyến nhiều hơn và nguồn lực tham gia vào du lịch mạnh mẽ hơn, điều này đã tạo thêm điều kiện để khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của khu vực và quốc tế khi mà lượng khách quốc tế đến Hà Nội đã tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước.

Theo đó, nhiều tour, tuyến du lịch mới đã được mở phục vụ cho thị trường nội địa và quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Thủ đô phát triển thêm những loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch làng nghề, làng cổ…; bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Hà Nội như: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch phố nghề - làng nghề, du lịch tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo mang tầm khu vực, quốc tế.

Đồng thời, sau 2008 Du lịch Hà Nội thay đổi được thể hiện rõ nhất là Hà Nội đã hình thành 6 cụm du lịch, gồm: Khu vực trung tâm Thủ đô, Sơn Tây - Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa, Hà Đông và phụ cận với các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm khách. Những sản phẩm chính gồm du lịch văn hóa; du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội họp, triển lãm…); du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch nông nghiệp và trang trại...

Khách tham quan phố cổ

Cùng với đó là các điểm đến truyền thống như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm hay các loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản (như xem múa rối nước Đào Thục kết hợp tham quan Di tích Cổ Loa tại Đông Anh) hay du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Ba Vì. Đó là chưa kể loại hình du lịch làng nghề với những điểm đến nổi danh như làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm)... cũng đã không ngừng được nâng cao chất lượng và được đa dạng hóa các hình thức, sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Cụ thể như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng du lịch cũng phát triển, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, nếu trước kia tổng số có 776 cơ sở lưu trú với 16.851 buồng phòng, trong đó có 204 cơ sở lưu trú được xếp hạng (35 khách sạn khối 3-5 sao), nhưng sau 10 năm, số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tăng gần 5 lần, đạt 3.546 cơ sở; số lượng buồng phòng tăng hơn 3,5 lần, đạt 60.458 buồng phòng; trong đó 599 cơ sở lưu trú đã xếp hạng (68 khách sạn từ 3-5 sao). Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư khách sạn 5 sao có quy mô, thương hiệu đẳng cấp chất lượng cao như: JW Marriott, Lotte Hà Nội, Grand Plaza Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake...

Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, ngành Du lịch Hà Nội đã đón khách đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khách thuộc thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Australia, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á. Số khách nước ngoài đến Hà Nội trong năm 2008 đạt 1,3 triệu lượt, đến năm 2017 đã tăng gấp gần 4 lần, đạt 4,95 triệu lượt - chiếm 40% số khách quốc tế đến Việt Nam. Cũng trong giai đoạn 2008-2017, lượng khách du lịch nội địa tới Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 12%/năm. Điều này đã giúp số thu từ khách du lịch có mức tăng tương đối ổn định - bình quân đạt 16%/năm trong giai đoạn 2008-2016. Năm 2017, tổng thu từ khách du lịch đạt 70.958 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016...

Phát huy lợi thế tiềm năng

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Cùng với việc hình thành các tour, tuyến du lịch, bên cạnh đó,ngành du lịch cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, tính chuyên nghiệp đã dần hình thành thông qua các sự kiện du lịch như Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2010, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội, Liên hoan ẩm thực Hà thành, Festival Áo dài, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi… luôn mang đậm dấu ấn Thủ đô.

Nhiều du khách không chỉ đến một lần duy nhất mà còn bày tỏ mong muốn được quay trở lại hoặc giới thiệu bạn bè, người thân đến Hà Nội tham quan. Thủ đô Hà Nội không chỉ thuyết phục họ bằng cảnh quan tự nhiên, chiều sâu và bề rộng giá trị văn hóa lịch sử mà còn là điểm đến thân thiện và an toàn.

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Mục tiêu của du lịch Hà Nội không chỉ đón 4,95 triệu lượt khách quốc tế và 18,88 triệu lượt khách nội địa mà sẽ là những con số cao hơn nhiều lần trong các năm tới. Hà Nội hướng đến phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch”.

Để từng bước hoàn thành mục tiêu đó, trước mắt, Hà Nội thúc đẩy đầu tư, thu hút đầu tư các dự án phát triển sản phẩm du lịch cao cấp như: Hình thành từ 3 - 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, khu trưng bày Bảo tàng Hà Nội, một số tổ hợp vui chơi giải trí đa năng, trường đua ngựa, đầu tư xây dựng các khách sạn 5 sao...

Hiện Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các cơ quan liên quan lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư phát triển trong lĩnh vực du lịch như các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú khách sạn cao cấp thương hiệu quốc tế, đầu tư xây dựng điểm dừng chân, vườn hoa, tiểu cảnh, không gian nghệ thuật, điểm du lịch, điểm trung chuyển khách..., báo cáo thành phố triển khai kêu gọi đầu tư theo quy định.

Đồng thời, để đưa hình ảnh Hà Nội đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục thực hiện tuyên tuyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch, trọng tâm triển khai hợp tác truyền thông quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN.

Cũng theo ông Trần Đức Hải, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp chặt chẽ các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan truyền thông, các hãng hàng không, các hãng lữ hành lớn trong nước và quốc tế để kết nối, quảng bá, hợp tác, phát triển thị trường du lịch, kết nối tour, tuyến với các doanh nghiệp, tổ chức tại thị trường quốc tế và ngược lại. Mục đích cuối cùng để thu hút nhiều hơn khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hà Nội, lựa chọn Hà Nội trong những hành trình khám phá, tham quan của mình.

Thu Hường

congthuong.vn