(TITC) - Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 14 năm 2018 (ITE - HCMC 2018), sáng 7/9/2018, tại Trung tâm SECC (TP. Hồ Chí Minh), Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo thúc đẩy phát triển thị trường khách du lịch Nhật Bản.
Toàn cảnh hội thảo (nguồn ảnh: Báo Công Lý)
Hội nghị nhằm cung cấp thêm kiến thức và kinh nghiệm cho các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã và đang khai thác thị trường du lịch Nhật Bản, đồng thời tìm kiếm giải pháp để phát huy có hiệu quả các thế mạnh cũng như giải quyết những bất cập còn tồn tại nhằm đột phá thị trường khách Nhật Bản đến hết năm 2020.
Tham dự hội thảo có ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch); ông Junichi Kawaue - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. HCM; ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM; ông Lã Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM; bà Hirose Noriko - Đại sứ Du lịch TP. HCM tại tỉnh Aichi (Nhật Bản); đại diện Hiệp hội Du lịch TP. HCM, Hiệp hội Du lịch Nhật Bản (JATA) và Asean Center; đại diện các Sở, ban, ngành liên quan của TP. HCM; đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Japan Airlines; các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn cùng các hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Nhật Bản luôn nằm trong top các thị trường khách du lịch quốc tế quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2017, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam đạt gần 800 nghìn lượt, tăng hơn 7% so với năm 2016. Riêng 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón hơn 545 nghìn lượt khách Nhật, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, Du lịch Việt Nam nỗ lực khai thác thị trường outbound (khách Việt Nam ra nước ngoài), tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch tại thị trường Nhật Bản, trong đó tăng cường mở các tuyến bay thẳng từ Việt Nam đến các thành phố lớn của Nhật Bản, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai nước.
Trên mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng cùng với sự gần gũi về văn hóa, con người giữa hai bên, ông Đinh Ngọc Đức chia sẻ, ngành Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thêm nhiều sản phẩm du lịch phong phú có chất lượng dịch vụ tốt nhất phù hợp với du khách Nhật Bản. Mục tiêu đến năm 2020, Du lịch Việt Nam sẽ đón được khoảng 1 triệu lượt du khách Nhật Bản đến tham quan, trải nghiệm.
Thông tin về khách du lịch Việt Nam tại Nhật Bản, ông Junichi Kawaue - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. HCM cho biết, năm 2017 có khoảng 300 nghìn lượt khách Việt Nam đã đến Nhật Bản và tỷ lệ gia tăng thị trường khách Việt Nam luôn nằm trong top đầu của ngành Du lịch Nhật Bản. Do vậy, ngành Du lịch Nhật Bản sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm tham quan, lưu trú của du khách Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển và bền chặt.
Các diễn giả đến từ đất nước mặt trời mọc đánh giá cao thị trường du lịch Việt Nam với nhiều bãi tắm đẹp, điểm đến hấp dẫn như: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), phố cổ Hội An (Quảng Nam), TP. Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh… Phía Nhật Bản cho rằng đối với khu vực TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, để có thể thu hút được lượng khách đông từ Nhật Bản, cần nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng hình thành thiện cảm đối với khách quốc tế; đồng thời đẩy mạnh dịch vụ đặt phòng khách sạn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, đáp ứng xu hướng khách Nhật Bản đang quan tâm hiện nay tại các thành phố lớn như: du lịch mua sắm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), du lịch ẩm thực, thời trang, du học…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, phân tích về xu hướng thị trường khách du lịch của hai bên, cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường du khách Nhật Bản tại Việt Nam. Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM cho rằng, Du lịch Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo mối quan hệ với hàng không, các công ty kinh doanh và đẩy mạnh quảng bá. Ngành Du lịch cần áp dụng phương pháp “tiếp cận kỹ thuật số” (digital marketing) để hiểu được đặc tính của thị trường Nhật, những thuận lợi, cản trở để tạo ra một môi trường du lịch chất lượng cho du khách.
Lam Phương