Rộn ràng lễ hội đua thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng
Cập nhật: 04/09/2018
Ngày 1/9, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, thu hút hàng nghìn người dân đến theo dõi, cổ vũ.  

Những ngày tháng Tám lịch sử, dòng sông Kiến Giang lại dậy sóng, người dân được sống trong không khí rạo rực của mùa lễ hội, mỗi khi nghe tiếng “Dô khoan dô hò khoan” vang vọng, ai nấy đều háo hức, đứng ngồi không yên.

“Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người”, nơi đây nổi tiếng với những cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay nằm bên dòng sông Kiến Giang, là con sông chảy dọc qua nhiều xã của huyện Lệ Thủy.

Hồng Thủy là một xã ở hạ nguồn sông Kiến Giang, người dân nơi đây quanh năm lam lũ với ruộng vườn, cuộc sống chẳng mấy sung túc nhưng vào mỗi độ thu về, vào mỗi dịp Tết Độc lập của dân tộc, người dân Lệ Thủy nói chung, Hồng Thủy nói riêng ở khắp mọi miền Tổ quốc lại háo hức đua nhau trở về quê hương cho kịp ngày hội đua thuyền.

Theo những cụ già trong làng kể lại thì truyền thống đua thuyền có từ xa xưa, thường tổ chức vào tháng 7 âm lịch nhằm cầu cho mưa xuống (sau mỗi mùa vụ lúa được thu hoạch, phải có mưa lũ thì năm sau đất đồng mới được bồi đắp phù sa, được mùa). Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, từ năm 1945, người dân đã chọn ngày 2/9 là thời điểm diễn ra lễ hội.

Lễ hội được tổ chức không chỉ để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trong lòng mỗi người dân, lễ hội còn là dịp để mỗi người con Lệ Thủy tưởng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tưởng nhớ công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mỗi đội bơi tầm 16 đến 17 người, các đội sẽ được chia  làm hai tốp tổ chức bơi vòng loại để tiến đến vòng chung kết bơi trên quãng đường dài hơn 20km, các tay đua tranh nhau quyết liệt từng mét nước trong tiếng reo hò của khán giả trên từng khúc sông.

Trò chuyện với ông Lê Văn Tú, người trực tiếp tham gia thi tài ở thôn Mốc Thượng 1, ông Tú cho biết, Tết Độc lập chính là dịp để cho mỗi người dân nêu cao tinh thần đoàn kết. Mặc dù cuộc sống quanh năm vất vả, nhưng vào dịp Quốc khánh hàng năm ai nấy đều tự nhủ sẽ luôn tiếp nối và duy trì truyền thống của cha ông. Khoảng thời gian từ đầu tháng 8 đến nay không khí lễ hội luôn nhộn nhịp, không ai bỏ làng đi làm ăn xa vào thời điểm này. Từ sáng sớm, người dân khắp các thôn làng, ngõ xóm đã gọi nhau í ới, khắp con đê mọi người đã vây kín chờ đợi thuyền đến, có người còn lội ra những khoảng sông khá xa để hô vang, tạt nước tiếp sức.  

Bà Nguyễn Thị Bé, cổ động viên đến từ thôn Thạch Thượng 1 hồ hởi nói, cả người thi lẫn người cổ vũ đều trong bầu không khí hân hoan, tự hào bởi giữ gìn và phát huy được nét đẹp văn hoá của người dân quê mình.

ĐCSVN